Cổ phiếu dầu khí lại đến thời?

Giá dầu tăng cao trong thời gian gần đây là chất xúc tác khiến nhóm cổ phiếu dầu khí liên tục 'nóng'. Dự báo giá dầu thế giới còn tiếp tục tăng cao, tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu này. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ đầu tư theo giá dầu thì sóng ngắn và khó bền.

Phiên 6/9, tiếp đà hưng phấn kéo dài, hàng loạt cổ phiếu dầu khí bao phủ bởi màu xanh tích cực như cổ phiếu PVD (PV Drilling), PVS (Dịch vụ kỹ thuật dầu khí), GAS (PV Gas), BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn), PLX (Tập đoàn Xăng dầu), OIL (Tổng công ty Dầu), PVC (Hóa chất và dịch vụ dầu khí), PVB (Bọc ống dầu khí)…

Tăng “nóng” cùng giá dầu

Trong đó, cổ phiếu PSH (Dầu khí Nam Sông Hậu) ghi nhận phiên trần thứ 2 liên tiếp. Đáng chú ý, cổ phiếu PVS đã tăng khá thầm lặng với mức tăng gần 7% trong tuần giao dịch cuối tháng 8.

Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu PVS hiện đã lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn, vượt trên đường MA20. Thậm chí, cổ phiếu này còn đang áp sát trở lại vùng đỉnh 18 tháng.

Giá dầu tăng cao trong thời gian gần đây là chất xúc tác khiến nhóm cổ phiếu dầu khí liên tục “nóng”. (Ảnh: Int)

Giá dầu tăng cao trong thời gian gần đây là chất xúc tác khiến nhóm cổ phiếu dầu khí liên tục “nóng”. (Ảnh: Int)

Nhìn chung, đà hưng phấn của nhóm cổ phiếu dầu khí bắt đầu nhen nhóm từ cuối tháng 8. Giới phân tích đánh giá, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu này có ảnh hưởng một phần từ hiệu ứng giá dầu thế giới. Chỉ trong vòng 2 tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 8% vượt mốc 90 USD/thùng, cao nhất trong vòng 10 tháng kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.

Giá dầu không ngừng leo thang trong những ngày qua sau thông tin các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới sẽ cắt giảm nguồn cung hơn nữa, cũng như được thúc đẩy bởi các dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và Mỹ.

Mặt khác, sự trượt giá của đồng USD giữa tuần qua cũng là một yếu tố tác động đến sự tăng của giá dầu.

Ngược thời gian, ngay từ đầu năm, giới phân tích đều chung nhận định, cổ phiếu dầu khí sẽ là nhóm ngành triển vọng sáng trong năm 2023 dựa trên quan điểm xu hướng tăng giá cả các loại hàng hóa cộng với cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dầu khí toàn cầu và an ninh năng lượng.

Trong nước, ngành dầu khí cũng xuất hiện nhiều tín hiệu sáng ngay từ những tháng đầu năm. Điển hình là những thông tin xoay quanh dự án Lô B – Ô Môn.

Bên cạnh đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 được kỳ vọng tạo ra những bước ngoặt lớn cho ngành dầu khí, mà theo Mirae Asset, là sẽ tháo gỡ nút thắt ở hoạt động thượng nguồn, khi trữ lượng khai thác tự nhiên đang giảm dần theo thời gian.

Luật Dầu khí lần này đã có nhiều điểm mới như bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí, làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động thăm dò dầu khí. Do đó, Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý giúp các dự án được vận hành thuận lợi, ngành dầu khí được đẩy mạnh phát triển.

Không nên chỉ đầu tư theo giá dầu?

Theo cuộc khảo sát của Reuters với 37 nhà kinh tế và nhà phân tích, dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82,45 USD/thùng vào năm 2023, tăng so với mức đồng thuận 81,95 USD vào tháng 7. Tính từ đầu năm đến nay, dầu Brent đạt mức trung bình khoảng 80,6 USD/thùng.

Dầu thô WTI được dự báo đạt trung bình 77,83 USD/thùng trong năm nay, cao hơn mức dự báo 77,20 USD của tháng trước.

Nguồn cung vật chất tiếp tục cho thấy tình trạng thắt chặt tại khu vực Trung Đông. Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ Sàn giao dịch hàng hóa Dubai (DME), giá bán chính thức (OSP) của dầu thô Oman sẽ tăng thêm 6,03 USD lên 86,57 USD/thùng trong tháng 10.

Các chuyên gia nhận xét, những thông tin tích cực về giá dầu sẽ giúp nhóm cổ phiếu dầu khí “bay cao” do sóng cổ phiếu dầu khí tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư theo giá dầu thì sóng ngắn và khó bền, thậm chí còn khiến nhà đầu tư từ lãi thành lỗ nhanh chóng, bởi sự khó đoán của giá dầu là rủi ro lớn nhất có thể làm thay đổi triển vọng ngành nhanh hơn kỳ vọng.

Do đó, việc đầu tư cổ phiếu dầu khí không đơn thuần là “soi” giá dầu trong ngắn hạn, mà cần đánh giá, cân nhắc các triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn, cũng như những yếu tố có thể tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế, những đợt sóng vừa qua của cổ phiếu dầu khí đều dựa trên kỳ vọng của thị trường mỗi khi xuất hiện thông tin mới, liên quan đến sự phát triển của ngành này chứ không phải riêng giá dầu thế giới.

Chẳng hạn, trong đợt sóng dầu khí đầu tháng 8 vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí trở thành tâm điểm của thị trường với thanh khoản tăng đột biến, nhiều mã vượt đỉnh cũ ngay khi giới đầu tư đón nhận thông tin Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan, xử lý dứt điểm để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và triển khai dự án khí Lô B đúng kế hoạch tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

Bộ phận phân tích chiến lược của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, trong nhóm dầu khí có 6 mã cổ phiếu hưởng lợi hàng đầu từ dự án khí Lô B - Ô Môn, gồm: PVS, PVD, PVB, PVC, PXS (Lắp máy dầu khí) và GAS. Trong đó, cổ phiếu PVS là "sáng" nhất, bởi Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ dự án Lô B - Ô Môn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Khối phân tích Chứng khoán VNDirect, về cơ bản, Lô B - Ô Môn vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dầu khí trong thời gian tới. Dù vậy, chuyên gia của VNDirect cũng chia sẻ vẫn tồn tại rủi ro nhất định đối với ngành dầu khí.

Chẳng hạn, việc giá dầu thấp hơn kỳ vọng có thể làm suy yếu nền tảng cơ bản của ngành cũng như tâm lý thị trường đối với giá cổ phiếu dầu khí.

Bên cạnh đó, rủi ro chậm trễ hơn nữa trong việc triển khai các dự án thăm dò và khai khác dầu khí, đặc biệt là một số dự án lớn như Lô B - Ô Môn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng công việc tiềm năng cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn cũng như nguồn cung dầu khí trong nước trong dài hạn.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-dau-khi-lai-den-thoi-1095162.html