Cổ phiếu Đầu tư Thương mại SMC bị đưa vào diện kiểm soát từ 10/4
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) công bố thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC.
Theo thông báo, cổ phiếu SMC sẽ bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 10/4. HoSE nêu rõ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của tổ chức niêm yết là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Đồng thời, cổ phiếu SMC cũng bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 10/4/2024 do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong 2 năm gần nhất của doanh nghiệp là số âm (2022 và 2023 lần lượt lỗ 651 tỷ đồng và 925 tỷ đồng).
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, SMC ghi nhận doanh thu đạt 13.701 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 925,2 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, công ty thua lỗ 651 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2023 âm 693,2 tỷ đồng. Trong khi năm 2022 có lãi 137 triệu đồng.
Liên quan tới hoạt động bán tài sản, cuối năm 2023, Đầu tư Thương mại SMC thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại tại SMC Bình Dương - Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích 6.197 m2, giá trị bán dự kiến 49 tỷ đồng.
Trước đó, Đầu tư Thương mại SMC vừa thông qua Nghị quyết để duy trì hoạt động của Công ty. Theo đó, Hội đồng quản trị Công ty thống nhất thông qua chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.
Trong đó, giao trách nhiệm cho Tổng giám đốc chỉ đạo các phòng ban liên quan, các Công ty thành viên về việc triển khai kế hoạch thu hẹp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cắt giảm nhân sự.
Có thể thấy, việc bán tài sản có thể xem là hành động cụ thể sau chủ trương thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí.
Công ty cho biết, năm 2023, tình hình kinh doanh của Công ty tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi các biến động và rủi ro của tình hình kinh tế chính trị trong và ngoài nước. Kinh tế toàn cầu suy yếu, lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, và việc Fed liên tục nâng lãi suất gây áp lực lớn lên tình hình kinh tế xã hội, các hoạt động thương mại sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, và xuất nhập khẩu toàn cầu.