Cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ có 2 phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2008
Việc Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý đối với lĩnh vực công nghệ và giáo dục của nước này đã gây ra những làn sóng chấn động trên khắp các thị trường chứng khoán toàn cầu, thổi bay 769 tỷ USD vốn hóa từ các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ chỉ trong vòng 5 tháng.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China - theo dõi 98 công ty lớn nhất của Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ - đã giảm 7% hôm 26/7 sau khi các nhà quản lý ở Trung Quốc công bố một cuộc đại tu trong lĩnh vực giáo dục và cấm các công ty dạy các môn học ở trường nhằm kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết.
Cộng thêm mức giảm 8,5% vào ngày 23/7 đã đưa mức giảm trong hai ngày của chỉ số này lên 15%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2008.
Diễn biến chỉ số Nasdaq Golden Dragon China
Oliver Jones, chuyên gia kinh tế thị trường cấp cao tại Capital Economics cho biết: “Các sự kiện mới nhất cho thấy rằng các nhà chức trách sẵn sàng làm buồn lòng các nhà đầu tư khi theo đuổi các mục tiêu chính trị lớn hơn so với cách đây vài năm. Rất khó để nói chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trên mặt trận này, nhưng xét trên khía cạnh cân bằng thì có vẻ như rủi ro giảm đối với cổ phiếu đã tăng lên”.
Một số nhà đầu tư lớn đã bắt đầu thoát các cổ phiếu chịu ảnh hưởng. Quỹ đầu tư ETF Ark Innovation (ARKK) hàng đầu của Cathie Wood đã cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc nắm giữ xuống dưới 0,5% trong tháng 7 này từ mức cao 8% vào tháng 2.
Quỹ này đã bán tất cả các cổ phiếu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Baidu và hiện chỉ còn nắm giữ 134 cổ phiếu của Tencent Holdings.
Một số công ty giáo dục lớn nhất Trung Quốc gồm TAL Education Group, New Oriental Education & Technology Group và Gaotu Techedu đều giảm ít nhất 26% vào hôm 26/7.
Bộ ba cổ phiếu này đã có một đợt lao dốc kéo dài kể từ giữa tháng 2 với mức giảm trung bình lên 93% từ đầu năm tới nay
Tổng cộng đã có hơn 126 tỷ USD vốn hóa thị trường của nhóm cổ phiếu giáo dục Trung Quốc được giao dịch tại Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông đã bị thổi bay trong năm nay.
Theo nhà phân tích DS Kim của JPMorgan, chính sách mới của Trung Quốc “khiến những cổ phiếu này hầu như không thể đầu tư được. Trường hợp xấu nhất đã trở thành hiện thực”.
Trong khi nhóm cổ phiếu giáo dục và công nghệ bị ảnh hưởng nhiều nhất, các lĩnh vực khác cũng chịu áp lực.
Cổ phiếu nhóm ngành quản lý bất động sản giao dịch tại Hồng Kông đã sụt giảm mạnh hôm 26/7 sau khi các nhà quản lý cho biết, họ đang nhắm đến việc “cải thiện đáng kể trật tự” trên thị trường.
Trong khi đó, gã khổng lồ giao đồ ăn Meituan chứng kiến cổ phiếu của mình lao dốc kỷ lục 14% khi chính quyền Bắc Kinh đưa ra thông báo rằng, các nền tảng thức ăn trực tuyến phải tôn trọng quyền của nhân viên giao hàng và đảm bảo người lao động kiếm được ít nhất là thu nhập tối thiểu tại địa phương.
Điều này xảy ra khi các nhà đầu tư cũng phải đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng rằng Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) có thể buộc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc không tuân thủ luật thời cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra là về yêu cầu tiết lộ thông tin tài chính cho các nhà quản lý.
Theo nhà phân tích Fawne Jiang của Benchmark: “Thật là thách thức đối với chúng tôi khi định lượng rủi ro tổng thể tại thời điểm này, nhưng rõ ràng là chúng tôi đang bước vào một giai đoạn biến động mạnh đáng kể”.