Cổ phiếu FRT: Giàu tiềm năng nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro
Là một trong những mã cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ có 'sóng tăng' mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng trở lại, cổ phiếu FRT của FPT Retail được nhiều công ty chứng khoán đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự rủi ro không phải là không tồn tại.
Theo quan sát, tính từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 7, thị giá cổ phiếu FRT đã tăng hơn 60%, từ mức quanh 100.000 đồng/cp lên mức quanh 170.000 đồng/cp.
Một trong những mã cổ phiếu có “sóng tăng” mạnh nhất
Có thể nói, cổ phiếu FRT là một trong những mã cổ phiếu thuộc ngành bán lẻ có "sóng tăng" mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Không chỉ vậy, mặc dù FPT Retail báo cáo kết quả kinh doanh kém sáng trong năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế âm 294 tỷ đồng khi phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cổ phiếu FRT vẫn được khối ngoại ưu ái mua vào liên tiếp (trong khi không ngừng bán ra cổ phiếu MWG của Thế giới Di động).
“Cú hích” được đánh giá giúp cổ phiếu FRT “hút khách” và không ngừng đi lên là sự phát triển của mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc Long Châu. Bởi thực tế, trong khi doanh nghiệp báo lỗ lũy kế năm 2023 thì FPT Long Châu vẫn đóng góp 50% doanh thu hợp nhất với 15.888 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ.
Mới nhất, trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, FPT Retail cho biết doanh thu hợp nhất đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, hoàn thành 49% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đã cải thiện đáng kể từ mức lỗ hơn 212 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái lên mức dương 109 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả này, theo FPT Retail, lãi ròng quý II/2024 đã đạt hơn 48 tỷ đồng, hồi phục từ mức lỗ gần 215 tỷ đồng của cùng kỳ, nhờ tái cấu trúc hệ thống FPT Shop, mở rộng chuỗi FPT Long Châu, đồng thời chi phí tài chính cũng giảm khoảng 55% so với cùng kỳ do tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt ngay từ đầu năm.
Thực tế, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng ở mức 67% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 11.521 tỷ đồng và chiếm 63% doanh thu của FPT Retail. Đồng thời, hiệu quả hoạt động được duy trì với doanh thu trung bình trên mỗi nhà thuốc vào khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng trong bối cảnh liên tục mở nhiều nhà thuốc mới.
Qua đó có thể thấy, với tỷ trọng doanh thu ngày càng lớn và tiềm năng phát triển còn nhiều dư địa, các nhà đầu tư đang chủ yếu nhìn vào hoạt động của FPT Long Châu để đánh giá sự phát triển của FPT Retail.
Theo Chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận trong 1-3 năm tới của FPT Retail có thể sẽ được thúc đẩy nhờ việc mở rộng mạng lưới nhà thuốc Long Châu. Với tỷ lệ thâm nhập nhà thuốc hiện đại dưới mức 15% như hiện nay, FPT Retail vẫn có thể mở mới 400-500 cửa hàng Long Châu trong vài năm tới. FPT Retail dự kiến sẽ có khoảng 3.000 cửa hàng Long Châu trong dài hạn (so với 1.587 cửa hàng tính đến quý I/2024).
Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang định giá cổ phiếu FRT ở mức trên 200.000 đồng/cp cho một năm tới.
Rủi ro từ “át chủ bài”
Trong khi chuỗi nhà thuốc Long Châu đang ghi nhận sự tăng trưởng thần tốc, chiều ngược lại, chuỗi FPT Shop tiếp tục ghi nhận những tín hiệu kém tích cực khi liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm.
Trước tình hình đó, FRT Retail đang có xu hướng chủ động thu hẹp FPT Shop để dồn lực phát triển FPT Long Châu.
Theo ban lãnh đạo, FRT Retail sẽ phát triển chuỗi FPT Long Châu hướng tới chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng, bắt đầu bằng việc mở rộng sang chuỗi trung tâm tiêm chủng vaccine.
Được biết, thị trường tiêm chủng vẫn được coi là khá mới mẻ tại Việt Nam, bởi thị trường này tập trung chủ yếu ở các khối bệnh viện và trung tâm y tế công. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, các trung tâm tiêm chủng tư nhân như VNVC, Vinmec, Nhi 315 nổi lên, cho thấy tiềm năng của ngành này.
Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu về vaccine ngày càng tăng, các trung tâm tiêm chủng tư nhân sẽ có vị thế tốt hơn các trung tâm tiêm chủng công trong việc tăng trưởng, nhờ có nhiều lựa chọn vaccine hơn và cơ sở bảo quản lạnh tiên tiến hơn – những yếu tố rất quan trọng để đảm bảo chất lượng vaccine.
FPT Retail cho rằng nhu cầu tiêm chủng có thể vẫn tăng trong dài hạn nên bắt đầu nhân rộng mô hình này từ năm 2024. Công ty đặt mục tiêu có 100 trung tâm tiêm chủng vào cuối năm 2024, sau đó mở 100-150 trung tâm tiêm chủng mỗi năm vào năm 2025-2026.
FPT Long Châu triển khai mảng tiêm chủng từ tháng 7/2023, với 2 trung tâm thí điểm tại TP HCM, sau đó nhanh chóng nhân rộng mô hình lên 54 trung tâm vào tháng 4/2024.
Hướng đi mới này của FRT Retail tưởng chừng “trơn tru” thì trong thời gian gần đây, việc các cơ quan chức năng liên tục phát hiện loạt vi phạm về chuyên môn, an toàn… tại nhiều trung tâm tiêm chủng Long Châu đã khiến người dân lo ngại về chất lượng tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng của FPT Long Châu.
Trong đó, đáng chú ý, tại một cơ sở FPT Long Châu ở TPHCM đã xảy ra vụ việc nghiêm trọng hơn hết là 2 trường hợp sốc phản vệ được ghi nhận sau khi tiêm vaccine. Dù cả 2 trường hợp đã ổn định và xuất viện, nhưng sự cố khiến cho nhiều cổ đông doanh nghiệp cảm thấy bất an khi nhìn lại lộ trình phát triển thần tốc của mảng này.
Nhiều ý kiến cho rằng, ban lãnh đạo FRT Retail đang quá tham vọng khi đặt mục tiêu lớn cho FPT Long Châu. Bởi đây là lĩnh vực khác biệt hoàn toàn với lĩnh vực bán lẻ hàng công nghệ cốt lõi, đòi hỏi không chỉ công nghệ mà còn là năng lực chuyên môn chuyên sâu trong lĩnh vực y khoa. Và nếu không quản trị rủi ro tốt, sự cố trong tương lai sẽ còn tiếp tục, từ đó gây tác động xấu đến giá cổ phiếu.
Thực tế, những sự cố thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu FRT liên tục bị bán ra và giảm giá mạnh. Nếu tính từ mốc ngày 9/7, khi thông tin 2 người tiêm vaccine bị sốc phản vệ tại FPT Long Châu TPHCM được công bố, tính đến phiên 31/7, cổ phiếu FRT đã có 12/17 phiên giảm điểm, từ 183.000 đồng xuống còn 172.800 đồng/cp.