Cổ phiếu giá cao nhất Việt Nam có bị hủy niêm yết?

Trước câu hỏi Vinacafe Biên Hòa có hủy niêm yết trên sàn chứng khoán nếu Masan nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%, lãnh đạo công ty cho biết thẩm quyền quyết định không thuộc HĐQT.

Sự kiện Công ty TNHH MTV Masan Beverage thông báo đăng ký mua 1,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tuyệt đối 100% nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư tại đại hội cổ đông thường niên công ty ngày 23/6.

Một cổ đông đặt câu hỏi nếu phía Masan sở hữu 100% cổ phần Vinacafe Biên Hòa, công ty có hủy niêm yết trên sàn chứng khoán hay không. Theo ông Phạm Hồng Sơn, thành viên HĐQT Vinacafe Biên Hòa, quyền hủy niêm yết thuộc về cổ đông chứ không phải HĐQT.

Theo thông báo của Masan Beverage, công ty con của tập đoàn Masan đăng ký mua khớp lệnh hoặc thỏa thuận 401.000 cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa thuộc sở hữu của các cổ đông nhỏ lẻ trong một tháng từ 17/6 đến 16/7.

Dữ liệu giao dịch cho thấy từ 17/6 đến nay, trung bình chưa đến 1.000 cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa được khớp lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, trong phiên 18/6, có 53.800 cổ phiếu công ty được giao dịch thỏa thuận với giá trị 11,5 tỷ đồng.

Ông Sơn gợi ý cổ đông nếu quan tâm hình thức bán cổ phiếu thỏa thuận có thể liên hệ với ban thư ký của HĐQT.

Chủ tịch Vinacafe Biên Hòa Phạm Quang Vũ nêu quan điểm cá nhân đây là thời điểm tốt để cổ đông bán cổ phiếu công ty. Giá cổ phiếu Vinacafe Biên Hòa hiện ở mức 225.000 đồng, mức cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với thị giá quá cao và cổ đông lớn sở hữu tới 98,5% vốn, cổ phiếu của Vinacafe Biên Hòa có thanh khoản nhỏ giọt. Tính trung bình từ đầu năm đến nay, trung bình chưa đến 500 cổ phiếu của công ty được sang tay mỗi phiên giao dịch.

Vinacafe Biên Hòa thành lập năm 1968, tiền thân là Nhà máy Cà phê Coronel tại Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Đây là nhà máy chế biến cà phê hòa tan đầu tiên trong toàn khu vực các nước Đông Dương.

Năm 1975, gia đình ông chủ Coronel trở về Pháp và bàn giao nhà máy cà phê cho chính quyền. Năm 1977, nhà máy sản xuất thành công mẻ cà phê hòa tan đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1983, thương hiệu Vinacafe ra đời. Đến năm 2004, Nhà máy Cà phê Biên Hòa chuyển thành công ty cổ phần.

Đầu năm 2011, Vinacafe Biên Hòa niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với vốn điều lệ 266 tỷ đồng. Tháng 9 cùng năm, Masan thâu tóm hơn 50% cổ phần doanh nghiệp và trở thành công ty mẹ của Vinacafe Biên Hòa. Sau đó, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhiều lần mua gom cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty cà phê này lên mức 98,5% hiện tại.

Phần lớn thành viên ban lãnh đạo của Vinacafe Biên Hòa hiện nay đều là nhân sự đến từ Masan.

Với vị thế là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất cả nước về cà phê hòa tan, Vinacafe Biên Hòa năm 2019 đạt doanh thu thuần 3.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ. Năm nay, công ty kỳ vọng doanh thu dao động 3.150-3.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong khoảng 725-780 tỷ.

Việt Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-phieu-gia-cao-nhat-viet-nam-co-bi-huy-niem-yet-post1099043.html