Cổ phiếu Grab giảm hơn 20% trong ngày giao dịch đầu tiên tại Mỹ
Sau khi hoàn tất thỏa thuận với một công ty SPAC, cổ phiếu Grab Holdings lúc đầu tăng mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên tại Mỹ (02/12), nhưng sau đó lại lao dốc hơn 20%.
Cổ phiếu Grab khởi đầu phiên giao dịch trên sàn Nasdaq ở mức 13.06 USD/cp, tăng 19% so với ngày 01/12 – thời điểm được giao dịch với cái tên Altimeter Growth Group. Được biết, Altimeter Growth Group là công ty SPAC mà Grab đã sáp nhập.
Đà tăng mạnh đầu phiên đã đẩy tổng giá trị vốn hóa của Grab lên tới hơn 51.6 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu của Grab rơi về mức giá 8.75 USD/cp.
Công ty có trụ sở ở Singapore này tạo ra “siêu ứng dụng”, trong đó cung cấp dịch vụ đặt xe, giao hàng và dịch vụ tài chính ở hơn 400 thành phố tại Đông Nam Á. Ngày 01/12, Giám đốc tài chính Grab Peter Oey cho biết trong cuộc phỏng vấn với MarketWatch rằng Công ty vừa trải qua “giai đoạn khó khăn nhất” trong quý 3/2021 vì tình trạng phong tỏa ở các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng Grab sẽ hồi phục và tiếp đà tăng trưởng, ngay cả khi xuất hiện biến chủng mới Omicron.
“Siêu ứng dụng của chúng tôi quá độc đáo tại Đông Nam Á”, ông nói. “Nó bao gồm dịch vụ đặt xe, giao thức ăn, giao hàng tạp hóa và hàng loạt sản phẩm dịch vụ tài chính trong 1 ứng dụng duy nhất”.
Những bên hậu thuẫn cho Grab bao gồm Didi Global Inc, Toyota Motor Corp. và quỹ Vision của SoftBank.
Bức tranh tài chính của Grab
Cũng giống với các hãng đặt xe và giao thực phẩm khác, Grab cũng thua lỗ rất nhiều từ khi thành lập trong năm 2012: Họ có khoản lỗ lũy kế 11.9 tỷ USD tính tới tháng 6/2021, theo bản cáo bạch.
Công ty gần đây ghi nhận lỗ ròng 988 triệu USD trong quý 3/2021, lỗ nặng hơn khoảng 366 triệu USD so với cùng kỳ. Grab cho biết doanh thu của họ giảm 9% so với cùng kỳ, xuống 157 triệu USD. Điều này là do các đợt phong tỏa ở Việt Nam trong quý 3. Ngoài ra, Grab cho biết số người dùng hàng tháng đã giảm 8% so với cùng kỳ vì các ứng dụng đặt xe và giao thực phẩm đã bị tạm ngưng trong thời gian phong tỏa tại Việt Nam.
Bên cạnh Việt Nam, Grab còn phục vụ khách hàng ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ông Oey cho rằng Grab có cơ hội khổng lồ với tổng giá trị thị trường của các sản phẩm cốt lõi như đặt xe, giao hàng và thanh toán lên tới 180 tỷ USD.
Công ty phải cạnh tranh với các nền tảng khác cũng như nhà hàng và cửa hàng có dịch vụ giao hàng riêng. Họ đã mua lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á của Uner trong năm 2018. Tuy nhiên, thỏa thuận không cạnh tranh với Uber sẽ hết hạn vào tháng 3/2023. Thêm một đối tiềm năng khác là Didi – vốn có thể bước vào thị trường sau khi thỏa thuận không cạnh tranh với Grab hết hạn.