Cổ phiếu 'hot' nhất trên UPCoM có xu hướng tạo 'sóng' mới

Ngược dòng thị trường, phiên sáng 30/7, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng giá phiên thứ 6 liên tiếp.

Thời gian qua, cổ phiếu ACV liên tục gây chú ý với thị trường và trở thành cổ phiếu “hot” nhất thị trường UPCoM với những chuỗi ngày dài tăng liên tiếp.

“Cổ phiếu ACV có mức tăng mạnh và ổn định từ đầu năm 2024, diễn biến giá rất rõ ràng kèm theo thanh khoản tăng lên mỗi nhịp tăng”, theo Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Cổ phiếu ACV tiếp tục tăng trong phiên sáng 30/7.

Cổ phiếu ACV tiếp tục tăng trong phiên sáng 30/7.

Tính đến phiên 21/6, thị giá ACV đã leo lên mức 135.000 đồng/cp - vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu hàng không này, tăng khoảng 100% từ đầu năm.

Theo đó, vốn hóa thị trưởng của ACV tăng lên khoảng hơn 184 nghìn tỷ đồng (~11,3 tỷ USD), chỉ sau Viettel Global (VGI) tại cùng thời điểm, đứng thứ hai trên thị trường UPCoM.

Ngay sau đó, cổ phiếu ACV bước vào xu hướng điều chỉnh giảm dần, cho tới thời gian gần đây, cổ phiếu này bắt đầu phát ra tín hiệu bước vào xu hướng tăng với những phiên tăng giá liên tiếp.

Đà tăng giá trở lại của cổ phiếu ACV được cho là được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh gây chú ý của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu thuần của công ty đạt mức 5.535 tỷ đồng, sụt giảm 2% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở mức 3.228 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất từ trước đến nay.

Trong kỳ, ACV đã cắt giảm đến 60% chi phí quản lý về còn 243 tỷ đồng nhờ không còn phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ các hãng hàng không.

Ngược lại, doanh thu tài chính giảm gần 80 tỷ đồng về gần 830 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi sụt giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, ACV đem về 11.178 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế đạt 6.149 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 44% so với năm 2023. Sau nửa năm, ACV hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cuối quý II/2023, tổng tài sản của ACV trên 69.803 tỷ đồng, tăng 3,6% so với đầu năm.

Ngoài ra, việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng hơn 50% so với đầu năm lên 11.837 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) là 7.792 tỷ đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6, nợ xấu của ACV tăng mạnh 45% so với đầu năm, lên 8.256 tỷ đồng. Do đó, ACV đã phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng nặng nhất là cho Bamboo Airways với 2.265 tỷ đồng, tiếp đến là Pacific Airlines hơn 880 tỷ đồng, Vietnam Airlines chiếm 385 tỷ đồng...

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI đánh giá sự phục hồi số lượng hành khách quốc tế tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho năm 2024 và 2025 của ACV. Ước tính năm 2024, doanh thu ACV có thể đạt 23.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.500 tỷ đồng, dễ dàng vượt qua kế hoạch cao kỷ lục đề ra trước đó.

Sang năm 2025, tình hình tiếp tục khả quan với doanh thu 27.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế 17.600 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.

Nếu đúng kịch bản này, ACV sẽ liên tiếp phá đỉnh lợi nhuận trong 2 năm tới.

Dù vậy, SSI Research vẫn đưa ra lưu ý về dự án sân bay Long Thành, dự án có khả năng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027. Với vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng và thời gian khấu hao 20 năm, ACV sẽ phải ghi nhận thêm 5.000 tỷ đồng/năm chi phí khấu hao vào năm 2027, SSI nhận định điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của ACV trong năm này.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/co-phieu-hot-nhat-tren-upcom-co-xu-huong-tao-song-moi-1101350.html