Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Sắc đỏ bao trùm toàn ngành, khối ngoại bán ròng hàng trăm tỷ đồng VPB
Trong tuần giao dịch vừa qua (20/11 - 24/11), thị trường chứng khoán ghi nhận 23 mã cổ phiếu ngân hàng giảm giá, 3 mã tăng và 1 mã đứng giá…
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có tuần giao dịch không khả quan khi có 23/27 mã giảm giá. Cụ thể, trong tuần (20/11 - 24/11), cổ phiếu NAB của ngân hàng NAM A BANK và cổ phiếu STB của Sacombank là 2 mã có mức giảm mạnh nhất toàn ngành, đều giảm 3,6%. Do đó, cổ phiếu NAB kết tuần ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu, còn STB đóng cửa ở mức 28.300 đồng/cổ phiếu.
Bám sát là cổ phiếu TCB và KLB với mức giảm lần lượt là 3,5% và 3,3%. Theo đó, thị giá dừng ở mức 30.050 đồng/cổ phiếu và 11.400 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần giao dịch qua, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng sở hữu mức vốn hóa lớn cũng ghi nhận diễn biến tiêu cực. Điển hình như cổ phiếu ACB (-2,9%); VIB (-1,8%); CTG (-0,3%); VPB (-0,5%); HDB (-1,1%); MBB (-1,9%).
Tương tự, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trong tuần vừa qua cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể, ABB (-2,9%); VAB (-2,9%); SGB (-2,6%); BVB (-2,4%); SHB (-2,2%); VBB (-2,2%); PGB (-2,1%); MSB (-1,9%); OCB (-1,8%); LPB (-1,3%); NVB (-0,9%); BAB (-0,8%); SSB (-0,2%).
Ở chiều hướng ngược lại, BID của ngân hàng BIDV là mã tăng tốt nhất tuần với mức +1,7%, kết tuần ở mức giá 43.650 đồng/cổ phiếu. Một mã cổ phiếu ngân hàng quốc doanh khác là VCB của Vietcombank nhích nhẹ 0,5%, đạt mức 86.000 đồng/cổ phiếu. Cùng mức tăng 0,5% là mã EIB của ngân hàng Eximbank, đóng cửa tại mức giá 18.700 đồng/cổ phiếu.
Trong tuần giao dịch (20/11 -24/11), toàn ngành chỉ ghi nhận một mã đứng giá là cổ phiếu TPB của ngân hàng TPBank. Hiện tại, cổ phiếu đang ghi nhận ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản toàn ngành cũng có sự điều chỉnh với 839 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương với giá trị đạt 16.600 đồng, thấp hơn tuần trước đó gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, STB tiếp tục dẫn đầu toàn ngành với thanh khoản đạt 2.538 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch của cổ phiếu VPB tăng vọt gần 1.000 tỷ đồng lên mức 2.393 tỷ đồng. Chịu áp lực từ khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 734 tỷ đồng cổ phiếu VPB tính chung trong 5 ngày giao dịch. Đây cũng là mức cao nhất toàn thị trường chứng khoán trong tuần.
Ở chiều hướng ngược lại, khối ngoại mua ròng 133 tỷ đồng cổ phiếu STB, 46 tỷ đồng VCB, 45 tỷ đồng BID và 39 tỷ đồng OCB.
Cổ phiếu EIB cũng giữ được thanh khoản cao với giá trị giao dịch đạt gần 2.000 tỷ đồng, được giao dịch nhộn nhịp trên cả thị trường thỏa thuận lẫn khớp lệnh. Khối tự doanh đã mua ròng 109 tỷ đồng cổ phiếu này trong tuần. Ngoài ra, nhóm này còn bán ròng 85 tỷ đồng TCB và 76 tỷ đồng STB.
Về những thông tin nổi bật trong tuần qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – mã chứng khoán: PGB) vừa công bố thông tin về việc Hội đồng quản trị ban hành nghị quyết về việc thay đổi tên thương mại của PG Bank. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2023.
Cụ thể, ngân hàng muốn thay đổi tên viết bằng tiếng Việt đang sử dụng "Ngân hàng thương mại Cổ phần Xăng Dầu Petrolimex" thành "Ngân hàng thương mại Cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển".
Tên viết bằng tiếng nước ngoài thay đổi từ "Petrolimex Group Commercial Joint Stock Bank" thành "Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank". Đồng thời, tên viết tắt thay đổi từ "PG Bank" thành "PGBank".
Một nội dung đáng chú ý khác, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán: CTG) đã công bố thông tin tài liệu liên quan đến phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến trả cổ tức với tỷ lệ 11,7415%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1.000.000 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 117.415 cổ phiếu mới. Hiện nay, VietinBank đang có hơn 4,8 tỷ cổ phiếu đang lưu hành do đó Ngân hàng sẽ phải phát hành thêm hơn 564 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông trong đợt này.
Được biết, nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế, sau trích quý và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Ngày đăng ký cuối cùng để phân bổ quyền nhận cổ phiếu là ngày 1/12/2023.
Mới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB) thông báo đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận góp vốn, mua cổ phần của TPBank vào Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát với số tiền tối đa 125 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TPBank phải hoàn tất việc góp vốn, mua cổ phần này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được chấp thuận.
Về vấn đề nhân sự, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) đã công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Quốc Long đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ngân hàng.
Ông Lê Quốc Long sinh năm 1965, cử nhân chuyên ngành tài chính kế toán Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội và chuyên ngành luật Trường Đại học Luật Hà Nội, đã có hơn 30 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vừa thông qua tờ trình về việc bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc, vào vị trí thành viên hội đồng quản trị trong đại hội bất thường ngày 24/11.