Cổ phiếu nhóm bán lẻ trước 'bóng ma' Covid-19 quay lại

Cổ phiếu nhóm bán lẻ đã có sự phân hóa rõ rệt kể từ đầu năm. Tuy nhiên, làn sóng Covid lần thứ 4 quay lại gây áp lực, một số cổ phiếu tăng mạnh đã xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu những phiên gần đây…

Ảnh minh họa.

Không “lên đồng” như sóng ngành ngân hàng, thép, chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ đã có những tháng khởi động đầu năm uể oải với mã tăng mã giảm chia thành hai thái cực rõ rệt. Nhóm bật tăng xuất hiện ở một vài mã ngành như MSN tăng 28% từ đầu năm; PNJ tăng 26%; MWG tăng 20% trong khi đó đa phần quay đầu giảm sâu như VNM, SAB, FRT, AST, VRE…

ĐẶT LỢI NHUẬN LẠC QUAN BẤT CHẤP COVID CÒN PHỨC TẠP

Giá cổ phiếu nhóm bán lẻ tăng/giảm rõ rệt vì phản chiếu kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng doanh nghiệp năm 2021. Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, đa phần các doanh nghiệp bán lẻ đều vẽ ra một tương lai tương sáng mà không hề đính kèm kịch bản rủi ro trong khi Covid 19 diễn biến còn phức tạp và nguy hiểm.

Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MSN) đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt đạt 92.000 tỷ đồng tăng trưởng từ 16- 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 2.500 - 4.000 tỷ đồng, tăng 103 - 224% so với cùng kỳ.

Trong đó, Masan Consumer (MSC) - công ty con chính của MCH có thể vượt mục tiêu doanh thu năm 2021 nhờ mức tăng trưởng 1 chữ số cao trong mảng gia vị, tăng trưởng 2 chữ số trong mảng thực phẩm tiện lợi và tăng trưởng 2 chữ số trong mảng đồ uống, thịt chế biến và sản phẩm chăm sóc gia đình/cá nhân. Bất chấp sự phục hồi của giá hàng hóa làm giảm biên lợi nhuận thức ăn chăn nuôi, Masan Meat Life (MML) đặt mục tiêu giữ biên EBITDA ổn định trong năm 2021. MML có kế hoạch chế biến khoảng 450.000 con heo thịt trong năm 2021 so với 280.000 heo thịt vào năm 2020.

Tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), ban lãnh đạo công ty cho biết, dù còn nhiều thách thức song PNJ phải tranh thủ giai đoạn thị trường thuận lợi để tăng tốc các kế hoạch. PNJ đã xây dựng thương hiệu thể hiện cá tính, phong cách khách hàng, mở rộng hoạt động kinh doanh với mô hình shop in shop, đây là chiến lược dài hơi của PNJ.

Năm 2021, PNJ đặt mục tiêu doanh thu tăng 20% đạt 21.005 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.229 tỷ đồng tăng 15%. Nếu lợi nhuận tăng 15% như kế hoạch đề ra, PNJ cũng muốn thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt 1,5% lợi nhuận sau thuế.

Tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ.

Tương tự, tại Công ty CP Thế giới di động (MWG) năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 125.000 tỷ đồng và 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 15% và 21% so với năm 2020 dù cho tình hình kinh doanh theo ban lãnh đạo còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, tại thị trường Campuchia, do dịch bệnh bùng phát từ tháng 2, Bluetronics đã đóng cửa 22/51 cửa hàng, doanh thu sụt giảm hơn 30% tính từ ngày 14/4 đến nay. Đối với 4K Farm, tham vọng của MWG xây dựng 1.000 nhà màng, tức là 1 triệu m2, tuy nhiên đang chững lại do lượng tiêu thụ sản phẩm chậm do người tiêu dùng vẫn tiêu thụ rau phun xịt. MWG buộc phải giảm tốc 4K Farm để bảo đảm hàng sản xuất tiêu thụ tương đối.

Với mảng Bách Hóa Xanh, lãnh đạo MWG cũng không thể nói chính xác khi nào có lãi, trong khi Điện Máy Xanh gần như đã đến độ bão hòa.

Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT cũng đặt mục tiêu kinh doanh bứt phát với doanh thu 16.400 tỷ đồng tăng 12% và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng tăng 320%.

Trong khi đó, Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) là doanh nghiệp bán lẻ duy nhất thận trọng đặt mục tiêu doanh thu 6.160 tỷ đồng tăng 4,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 11.240 tỷ đồng, đi ngang so với 2020 bởi diễn biến phức tạp dịch Covid-19 và hiện tại chưa có nhiều quốc gia triển khai tiêm chủng cộng đồng.

Thực tế, các doanh nghiệp bán lẻ đã có một quý “đề pa” đầu năm với kết quả kinh doanh khả quan. 4 tháng đầu năm, PNJ lãi sau thuế 598 tỷ đồng tăng 95% chủ yếu từ tăng trưởng của doanh thu bán lẻ và doanh thu vàng miếng; MWG lãi 1.691 tỷ đồng; tăng 26%; MSN lãi 342 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 216 tỷ đồng; VNM lãi giảm nhẹ đạt 2.596 tỷ đồng nhưng lại là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành bán lẻ.

MỐI ĐE DỌA LỚN TỪ COVID 19

Dù có 4 tháng khởi đầu năm thuận lợi nhưng những tháng tiếp theo các doanh nghiệp bán lẻ đang phải đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế trong đó nổi cộm nhất là làn sóng Covid 19 lần thứ tư quay lại với mức độ siêu lây nhiễm, nguy hiểm hơn và bao phủ trên diện rộng hơn so với tình hình đầu năm 2020.

Đại dịch khiến các địa phương phải giãn cách xã hội, đóng cửa hàng không thiết yếu, do đó, nhu cầu của khách hàng cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Covid 19 còn tác động nặng nề lên việc làm, thu nhập của người tiêu dùng.

Trong báo cáo mới nhất cập nhật ngành bán lẻ, chứng khoán Phú Hưng nhận định, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và hiện Việt Nam vẫn chưa có triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho toàn dân. Điều này ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Ngoài ra, thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm do dịch Covid-19 vẫn chưa thể cải thiện trong ngắn hạn. Dù Fitch Solutions dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng 7% so với cùng kỳ nhưng vẫn giảm so với trước đại dịch.

Các doanh nghiệp còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc ổn định tài chính, vấn đề về dòng tiền, do áp lực bán hàng và chi phí tài chính. Chẳng hạn, tại PNJ, để phát triển tăng tốc trong khi vốn vay ngắn hạn đã là 3.200 tỷ đồng, công ty phải tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu và dùng số tiền thu được dự kiến 1.500 tỷ đồng cải tiến đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường trang sức bán lẻ.

"Năm tài chính 2021, doanh số bán lẻ sẽ tăng trưởng chậm khoảng 5-7% do dư chấn của Covid 19 đối với Việt Nam và đối tác thương mại lớn như Mỹ và Euro”, báo cáo của Mirae Asset dự báo.

Bên cạnh tác động của Covid 19, Chứng khoán BSC cho rằng, ảnh hưởng của bão liên tục trong tháng 10-11 ảnh hưởng lớn tới thu nhập hộ gia đình miền Trung và kinh doanh bán lẻ ở một số khu vực ảnh hưởng trực tiếp bão như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi,…

Từ những phân tích trên, có ý kiến cho rằng nhóm cổ phiếu bán lẻ có thể chịu áp lực điều chỉnh đồng loạt vì thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh đã được công bố hết trong khi dịch bùng phát trở lại đe dọa lên ngành bán lẻ. Thực tế, chốt phiên giao dịch 26/5, nhóm cổ phiếu bán lẻ đã chìm trong sắc đỏ với 10 mã giảm giá, mạnh nhất là MWG giảm 0,75%; VGC giảm 2,68%; FRT 0,96%; PNJ giảm 0,1%; MSN đứng giá.

Trước đó, hồi tháng 3/2020, nhóm bán lẻ cũng lao dốc, mất hơn 1/3 giá trị chỉ trong một tháng, là nhóm bị bán tháo và giảm mạnh nhất vì bóng ma Covid 19.

An Nhiên -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-phieu-nhom-ban-le-truoc-bong-ma-covid-19-quay-lai.htm