Cổ phiếu Novaland bất ngờ tăng kịch trần
Cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland đã tăng kịch trần 7% đạt 14.000 đồng với dư mua sau khi hết phiên sáng 2/11 gần 4,5 triệu đơn vị. Nguyên nhân, HoSE thông báo đưa cổ phiếu NVL ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 3/11.
Sở Giao dịch TPHCM (HoSE) vừa thông báo đưa cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland và cổ phiếu HPX của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 3/11, do doanh nghiệp đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Hồi tháng 4, NVL đã bị đưa vào diện cảnh báo do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 15 ngày so với thời hạn quy định. Khi đó, HoSE cũng đưa NVL vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ (cắt margin) do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022.
Ngày 17/4, Novaland thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Theo HoSE, Novaland đã khắc phục được tình trạng này.
Đón nhận thông tin này, ngay lập tức, cổ phiếu NVL đã tăng kịch biên độ 7% đạt 14.000 đồng với dư mua sau khi hết phiên sáng 2/11 gần 4,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thị giá mã này cũng đã giảm giảm 36,3% so với đầu tháng 9 và giảm 80% so với cách đây một năm. Cổ phiếu này vẫn sẽ không được giao dịch ký quỹ (cắt margin) vì báo lỗ trong nửa đầu năm.
Hôm 30/10, Novaland công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu hợp nhất đạt hơn 1.070 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu hợp nhất (gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ) của Novaland là 2.740 tỷ đồng nhưng ghi nhận khoản lỗ gần 960 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9, hàng tồn kho của NVL gần 138.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng chiếm gần 92,2% (tương đương gần 127.000 tỷ đồng), phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Trong quý III, báo cáo tài chính Novaland cũng ghi nhận khoản 2.230 tỷ đồng doanh thu tài chính chủ yếu đến từ việc bán tài sản để tái cấu trúc nợ.
Tương tự, hồi tháng 7, HoSE đã đưa mã HPX vào diện cảnh báo do doanh nghiệp chưa tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022. Đến ngày 21/10, HPX đã tổ chức thành công đại hội cổ đông và đã thực hiện công bố thông tin các biên bản, nghị quyết theo quy định.
Vào ngày 11/9, HoSE ra thông báo chuyển mã HPX từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch, nguyên nhân là công ty tiếp tục vi phạm về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Cụ thể, Hải Phát không công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 đúng thời hạn quy định.
Đến ngày 21/10, Hải Phát cho biết, đã hoàn thành xong việc khắc phục hậu quả các lỗi vi phạm về công bố thông tin. Do đó, trong thông báo ngày 31/10 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE, HPX đã đề nghị được sớm xem xét đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.
Trong quý III, Hải Phát ghi nhận doanh thu hơn 301 tỷ đồng, giảm gần 59% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi hơn 4 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Hải Phát ghi nhận doanh thu gần 1.197 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản Hải Phát giảm 9,5% so với đầu năm về 8.571 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 3.320,3 tỷ đồng, chiếm 38,7% tổng tài sản. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 19,5% so với đầu năm về 2.669 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, cổ phiếu NVL ra khỏi diện kiểm soát nhưng Novaland báo lỗ gần 960 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Như vậy, NVL chưa thể ra khỏi danh sách cổ phiếu không được cấp margin. Cổ phiếu của Novaland chỉ có thể được cấp margin sau khi công ty báo cáo kiểm toán có lãi năm 2023. Còn với HPX, vẫn đang bị hạn chế giao dịch nên việc đưa ra khỏi diện bị cảnh báo chưa có ý nghĩa với nhà đầu tư trong ngắn hạn.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-phieu-novaland-bat-ngo-tang-kich-tran-post1583604.tpo