Cổ phiếu Novaland dư bán sàn hơn 3 triệu đơn vị, VN-Index giảm nhẹ

Lực bán giá thấp được tiết giảm kéo hàng loạt mã quay đầu tăng, trong đó có nhiều mã bluechip, giúp VN-Index hồi phục vượt qua tham chiếu. Tuy nhiên, chốt phiên chỉ số này không thể giữ được sắc xanh, trong khi cổ phiếu NVL của Novaland dư bán sàn hơn 3 triệu đơn vị.

Trong phiên sáng, sau 30 phút giằng co, VN-Index lao dốc do lực bán mạnh, có lúc đã xuyên thủng ngưỡng kháng cự 1.245 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy hoạt động ở một số mã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm.

Điểm nhấn trong phiên sáng là cổ phiếu NVL khi bị bán mạnh sau thông tin bị cắt margin. Dù lực cầu bắt đáy lớn, có lúc giúp NVL hãm đà rơi, nhưng không thể bù đắp được trước lực bán mạnh, có thể đến từ các “tài khoản đuôi 6” (margin), khiến cổ phiếu này trở lại mức kịch sàn và còn dư bán sàn hơn 2,15 triệu đơn vị trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Lực cầu bắt đáy dù không giúp cứu giá NVL, nhưng giúp cổ phiếu này có phiên giao dịch sôi động với thanh khoản vượt trội so với phần còn lại của thị trường hơn 48 triệu đơn vị.

Bước vào phiên giao dịch chiều, trong những phút đầu, thị trường có diễn biến giống với những phút đầu của phiên sáng khi giằng co nhẹ do sự thận trọng của cả bên mua và bên bán. Tuy nhiên, diễn biến sau đó trái ngược hoàn toàn so với phiên sáng khi VN-Index bứt lên theo chiều thẳng đứng, vượt qua tham chiếu, xác lập đỉnh của ngày gần 1.257 điểm.

Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên đảo chiều ngoạn mục, nhưng sắc xanh không tồn tại lâu do lực cầu không quá mạnh. VN-Index nhanh chóng quay đầu xuống dưới tham chiếu và đóng cửa với sắc đỏ, dù mức giảm rất khiêm tốn và thanh khoản cũng giảm so với phiên hôm qua. Đà hồi của thị trường trong phiên chiều nay chủ yếu do bên bán tiết cung giá thấp chứ không phải do lực cầu bắt đáy mạnh.

Chốt phiên, VN-Index giảm 1,96 điểm (-0,16%), xuống 1.253,27 điểm với 170 mã tăng nhiều hơn gấp đôi với phiên sáng, trong khi số mã giảm ít hơn 80 mã, còn 218 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 583,8 triệu đơn vị, giá trị 12.843,6 tỷ đồng, giảm 15% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 66 triệu đơn vị, giá trị 1.584 tỷ đồng.

Trong rổ chỉ số VN30, số mã tăng cũng nhiều hơn phiên sáng với 11 mã, trong khi chỉ còn 14 mã giảm và 5 mã đứng giá. Chốt phiên, VN30-Index giảm 0,18 điểm (-0,01%), đứng ở mức 1.293,88 điểm.

Trong nhóm này, tăng mạnh nhất là STB với 1,37% lên 29.600 đồng, số còn lại chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Ngoài STB, có 4 mã ngân hàng khác trong rổ VN30 cũng có sắc xanh, bên cạnh 6 mã khác là HPG, VJC, VHM, FPT, SAB và SSI.

Trong khi đó, từ vị thế là mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng trong phiên sáng, SSB đã đảo chiều lao thẳng xuống mức đáy 16.000 đồng, giảm 5,88%, mạnh nhất rổ VN30 cũng như nhóm ngân hàng.

Trong VN30 có thêm 2 mã giảm hơn 1% là PLX giảm 1,29% xuống 45.800 đồng và POW giảm 1,15% xuống 12.850 đồng, còn lại chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Về nhóm ngành, nhóm ngân hàng ngoài 5 mã trong rổ VN30 đã nêu, có thêm EIB có sắc xanh nhạt, cùng CTG, NAB và VIB đứng giá. Trong chiều giảm, ngoài SSB, có OCB giảm 1,74% xuống 11.300 đồng, còn lại chỉ giảm nhẹ.

Trong nhóm chứng khoán, sắc xanh cũng nhiều hơn phiên sáng với sự tham gia của SSI, HCM dù mức tăng khiêm tốn. Trong khi đó, FTS là mã tăng mạnh nhất 2,14% lên 43.000 đồng, tiếp đến là VDS tăng 1,23% lên 20.500 đồng. Ở chiều ngược lại, chỉ duy nhất VND giảm trên 1% (-1,38%), xuống 14.300 đồng, còn lại giảm nhẹ.

Nhóm bất động sản, NVL tiếp tục bị bán mạnh và an vị ở mức sàn 11.850 đồng với dư bán sàn hơn 3,1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy vẫn lớn, giúp giao dịch của NVL tiếp tục sôi động trong phiên chiều với khoảng 20 triệu đơn vị nữa được khớp, nâng tổng khối lượng khớp toàn phiên lên hơn 68 triệu đơn vị.

Cùng với NVL, DRH cũng bị đẩy xuống mức kịch sàn 1.870 đồng sau thông tin bị đình chỉ giao dịch từ 16/9 do vi phạm công bố thông tin. Bên cạnh đó, ITA nhiều khả năng cũng theo bước DRH khi bị kiểm toán “xa lánh”, giảm 3,52% xuống 3.290 đồng; LDG, SCR, DIG giảm trên dưới 2,7%; LHG, TDH và HTN giảm hơn 2%...

Trong khi đó, SGR tiếp tục duy trì chuỗi ngày khởi sắc khi tăng 6,72% lên 46.850 đồng. Tính từ phiên 14/8 tới nay, cổ phiếu này đã tăng 83,7%. Ngoài ra, nhóm bất động sản, xây dựng có CTD tăng 1,64% lên 62.000 đồng, đặc biệt là sự đảo chiều ngoạn mục của NTL từ mức giảm thuộc top cao nhất nhóm trong phiên sáng, đóng cửa tăng 1,47% lên 20.650 đồng.

Xét về thanh khoản, VIX vẫn là mã có thanh khoản tốt thứ 2 sau NVL với 14,81 triệu đơn vị, tiếp đến là HPG với 14,21 triệu đơn vị. DXG cũng đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,68% lên 14.900 đồng, khớp 14,09 triệu đơn vị, đứng sau HPG.

Đặc biệt, lực cầu lớn không chỉ giúp VHM đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 0,47% lên 43.000 đồng, mà còn giúp mã này có thanh khoản tốt với 13,4 triệu đơn vị, đứng sau DXG.

Một mã bất động sản khác là PDR cũng có thanh khoản tốt 12,51 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 21.150 đồng.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự HOSE, nhưng HNX-Index chưa kịp chạm mốc tham chiếu thì đã bị đẩy ngược trở lại và đóng cửa giảm nhẹ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,1%), xuống 231,45 điểm với 53 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,3 triệu đơn vị, giá trị 818 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 96 tỷ đồng.

SHS đã lấy lại vị trí số 1 về thanh khoản trên HNX với 5,44 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tham chiếu 14.800 đồng, đẩy CEO về vị trí thứ 2 với 4,97 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,65% xuống 15.300 đồng. MBS đứng thứ 3 với 4,15 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 3,82% lên 27.200 đồng.

Ngoài 3 mã trên, chỉ có thêm 4 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa trái ngược về giá. Cụ thể, TNG giảm 0,38% xuống 26.400 đồng, khớp 1,55 triệu đơn vị; DL1 tăng mạnh 7,25% lên 7.400 đồng, khớp 1,12 triệu đơn vị; PVS giảm 0,49% xuống 40.500 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị; HUT tăng 0,61% lên 16.500 đồng, khớp 1 triệu đơn vị.

UPCoM cũng hồi phục dần trong phiên chiều nay và chỉ thiếu chút may mắn để về vạch xuất phát.

Chốt phiên, UPCoM-Index 0,04 điểm (-0,04%), xuống 92,32 điểm với 121 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,6 triệu đơn vị, giá trị 521,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 155 tỷ đồng.

UPCoM hôm nay có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và không có mã nào đóng cửa trên tham chiếu. Trong đó, BSR có thanh khoản tốt nhất 4,87 triệu đơn vị, đóng cửa tham chiếu 23.300 đồng; tiếp đến là OIL khớp 1,71 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,62% xuống 13.300 đồng; VGT khớp 1,33 triệu đơn vị, đóng cửa khớp 2,13%; ABB khớp 1,11 triệu đơn vị, đóng cửa tham chiếu 7.600 đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 9 là VN30F2409 giảm 1,1 điểm (-0,09%), xuống 1.293 điểm với 203.153 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 26.242 tỷ đồng; khối lượng mở 46.451 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 12 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó 3 mã dẫn đầu đều do SSI phát hành là CVHM2313 với 4,84 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 16,67% xuống 50 đồng; CHPG2404 với 3,36 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 30 đồng; và CVRE2403 với 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 110 đồng.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 7,55 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 5.209,6 tỷ đồng. Trong đó, H7912102 do Hưng Thịnh Land phát hành là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với 3 triệu đơn vị, giá trị 300 tỷ đồng. Mã có khối lượng giao dịch lớn thứ 2 là HQN12101 do Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành với gần 1,19 triệu đơn vị, giá trị 119,1 tỷ đồng. Trong khi đó, xét về giá trị, mã ABB12304 của ABBank có giá trị giao dịch lớn nhất với 1.038,2 tỷ đồng, tương ứng 1.000 đơn vị. Tiếp đến là 2 mã trái phiếu do LPBank phát hành với giá trị giao dịch lần lượt là 848,2 tỷ đồng và 515,4 tỷ đồng.

T.Lê

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-novaland-du-ban-san-hon-3-trieu-don-vi-vn-index-giam-nhe-post353571.html