Cổ phiếu OGC tiếp tục nằm trong diện cảnh báo
Ngày 31/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã OGC - sàn HoSE).
HoSE quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu OGC theo Quyết định số 427/QĐ-SGDHCM ngày 24/6/2022 với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm là âm 33,53 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là âm 2.759,65 tỷ đồng.
Cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm b khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Thêm nữa, cổ phiếu OGC vẫn thuộc diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 361/QĐ-SGDHCM ngày 2/6/2022 do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Theo số 361/QĐ-SGDHCM ngày 2/6/2022, cổ phiếu OGC chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ ngày 9/6/2022.
Kiểm toán tiếp tục nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục
Sau kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2022, kiểm toán nhấn mạnh tính tới 30/6/2022, Ocean Group đang có số lỗ lũy kế 2.759,66 tỷ đồng (đầu năm 2.726,42 tỷ đồng). Yếu tố này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group.
Trước đó, trong Báo cáo kiểm toán năm 2021, kiểm toán cũng nhấn mạnh nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group do có số lỗ lũy kế tới 31/12/2021 là 2.726,42 tỷ đồng.
Thêm nữa, trong năm 2021 và cho đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, Ocean Group và CTCP Đầu tư Đại dương Thăng Long (Công ty con của Ocean Group) về việc thông qua phương án đưa một số khoản công nợ theo dõi ngoại bảng kể từ năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 và cho các năm tiếp theo nhưng không ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ và quyền lợi của Công ty đối với các khoản công nợ này.
Ngoài ra, kiểm toán cho biết thêm dự án Khách sạn Sài Gòn Airport tại quận Tân Bình, TP.HCM đang được thế chấp để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long. Giá trị trích lập dự phòng tại thời điểm 30/6/2022 được xác định là 218,3 tỷ đồng, sau khi bù trừ với số phải trả Công ty TNHH Pegasus Thăng Long số tiền 116 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế 2.759,66 tỷ đồng, bằng 91,99% vốn điều lệ
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ocean Group ghi nhận doanh thu đạt 256,72 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 58,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 16,29 tỷ đồng, tức giảm 74,59 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 32,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 16,78 tỷ đồng lên 67,85 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 31,5%, tương ứng tăng thêm 2,35 tỷ đồng lên 9,81 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 242,5%, tương ứng tăng thêm 13,29 tỷ đồng lên 18,77 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 8,8%, tương ứng tăng thêm 8,5 tỷ đồng lên 105,12 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 61,18 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 7,08 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 54,1 tỷ đồng); và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Với việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022, tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế lên tới 2.759,66 tỷ đồng và bằng tới 91,99% vốn điều lệ của Công ty (vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng).
Tín tới cuối quý II, tổng tài sản của Ocean Group giảm 1,9% so với đầu năm về 2.878 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 687,3 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 565,4 tỷ đồng, chiếm 19,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 412,5 tỷ đồng, chiếm 14,3% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác đạt 394,1 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu OGC tăng 950 đồng lên 14.600 đồng/cổ phiếu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-phieu-ogc-tiep-tuc-nam-trong-dien-canh-bao-d172644.html