Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai bất ngờ tăng trần

Các cổ phiếu có xu hướng giảm mạnh thời gian gần đây như Quốc Cường Gia Lai hay Vietnam Airlines bất ngờ đón dòng tiền lớn mua vào, qua đó thoát cảnh bán tháo hôm nay.

 Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai bất ngờ tăng trần trở lại sau gần 2 tuần bị bán tháo. Ảnh: Hải An.

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai bất ngờ tăng trần trở lại sau gần 2 tuần bị bán tháo. Ảnh: Hải An.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch tích cực đầu tuần 29/7. Trong đó, nguồn cung tiếp tục hạ nhiệt giúp dòng tiền bắt đáy dễ dàng kéo chỉ số VN-Index lên trên ngưỡng tham chiếu.

Tuy vậy, giá trị giao dịch của các nhà đầu tư vẫn giữ ở mức rất thấp, chỉ khoảng 13.100 tỷ đồng trên quy mô toàn thị trường, phần nào phản ánh tâm lý thận trọng ở cả phe mua lẫn phe bán. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp thanh khoản tính riêng trên HoSE giảm xuống dưới 12.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu QCG, HVN tăng trần

Trong cả phiên, chỉ số giằng co nhưng biên độ không quá cao. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tăng 4,49 điểm (+0,36%) lên 1.246,6 điểm; HNX-Index tăng 0,86 điểm (+0,36%), UPCoM-Index tăng 0,28 điểm.

Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay ghi nhận 14 mã tăng, 9 mã giữ tham chiếu và 7 mã giảm. Chỉ số đại diện rổ cũng hồi phục nhẹ 0,3% lên mốc 1.285 điểm.

Trong đó, dòng tiền tập trung vào một số cổ phiếu trụ đã chiết khấu cao thời gian qua như BID (+1,8%), HVN (tăng trần), VNM (+2,1%), HPG (+1,6%), GVR (+1,2%), MWG (+1,6%), FPT (+0,8%), LPB (+1,4%), DCM (+4,6%) hay BCM (+1,1%).

Chiều ngược lại, rào cản ghìm chân chỉ số chủ yếu đến từ các mã như VHM (-1,7%), MBB (-0,8%), VJC (-1,5%), VGC (-4%), VRE (-1,8%), GAS (-0,3%), EIB (-1,1%), HNG (giảm sàn), PDR (-1,5%), TMS (-2,6%).

 Chỉ số VN-Index phục hồi trên nền thanh khoản cạn kiệt. Ảnh: TradingView.

Chỉ số VN-Index phục hồi trên nền thanh khoản cạn kiệt. Ảnh: TradingView.

Sau chuỗi ngày bị bán tháo dữ dội và liên tiếp "nằm sàn", cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines quay trở lại với phiên tăng trần hôm nay. So với giá đóng cửa ở phiên điều chỉnh gần nhất (25/7), thị giá HVN đã hồi phục gần 11% song vẫn thấp hơn đỉnh gần nhất khoảng 40%.

Cổ phiếu QCG cũng gây bất ngờ khi tăng kịch biên độ (7%) hôm nay sau chuỗi điều chỉnh 11 phiên liên tiếp (bao gồm 7 phiên giảm sàn). Thanh khoản của QCG cũng đã quay trở lại và tăng vọt lên 46 tỷ đồng trước làn sóng “tháo chạy” của nhà đầu tư. Dẫu vậy, thị giá của cổ phiếu này đã rơi xuống vùng thấp nhất hơn 1 năm qua.

Trong khi đó, bộ đôi cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình và HNG của HAGL Agrico bị bán mạnh và giảm kịch biên độ từ sớm. Thực tế, diễn biến này không quá bất ngờ khi đây là 2 cổ phiếu mới nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE.

Hôm nay, khối ngoại cũng trải qua một trong những phiên giao dịch ảm đạm nhất từ đầu năm với thanh khoản chỉ đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Giá trị giao dịch ròng của nhóm này âm hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu đến từ động thái bán DCM (-38 tỷ đồng), PDR (-38 tỷ đồng), PVS (-32 tỷ đồng), DBC (-25 tỷ đồng).

Ngược lại, tiền ngoại đang gom trở lại VIX (+63 tỷ đồng), FPT (+52 tỷ đồng), VNM (+36 tỷ đồng).

Vì sao VN-Index mãi lình xình dưới 1.300 điểm?

Việc tiếp tục xu hướng tăng trong phiên hôm nay cũng kéo dài quãng thời gian lình xình của chỉ số VN-Index ở mốc dưới 1.300 điểm.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, ông Trần Lâm Bình, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, cho rằng 3 yếu tổ chính cản trở VN-Index vẫn là tình trạng dòng vốn gián tiếp nước ngoài rút khỏi thị trường, tỷ giá neo ở mức cao và chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam.

Theo mô hình của đơn vị phân tích này, từ đây đến cuối năm, VN-Index có thể vượt được mốc 1.300 điểm và hướng đến 1.380 điểm nếu lợi suất trái phiếu 10 năm của Việt Nam giảm về mốc 2,6%/năm và lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường tăng lên 10%.

Với tốc độ tăng trưởng GDP hiện tại, việc lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% trong 6 tháng cuối năm là hoàn toàn khả thi.

Về yếu tố lợi suất trái phiếu 10 năm của Việt Nam, hiện nay đang neo ở mốc 2,82%/năm, xác suất giảm về 2,6%/năm rất cao vì trong năm nay khả năng Fed sẽ có đợt cắt giảm lãi suất, có thể trong kỳ họp tháng 9.

Ngược lại, trở lực của thị trường chứng khoán nằm ở việc kiểm soát lạm phát, nếu lạm phát tăng vượt 4,5% sẽ triệt tiêu động lực tăng trưởng của thị trường. Lạm phát tháng 6 đang là 4,32% và việc tăng lương cơ bản bắt đầu tư 1/7 có thể là yếu tố gây ảnh hưởng lên lạm phát.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-phieu-quoc-cuong-gia-lai-bat-ngo-tang-tran-post1488980.html