Cổ phiếu Sabeco (SAB) sẽ tăng đến bao giờ?
Ngay sau khi có thông tin nhà nước sẽ thoái ra 36% vốn tại Sabeco, cổ phiếu SAB trải qua chuỗi tăng mạnh từ vùng giá 158.000 đồng/CP ngày 30/06/2020 và hiện giao dịch vùng giá 206.500 đồng/CP.
Như vậy, cổ phiếu SAB đã tăng lên tới 30,7% trong vòng 7 phiên và chưa rõ điểm dừng. Giới đầu tư đang thắc mắc lý do tại sao cổ phiếu tăng mạnh như vậy.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Đối với một số vấn đề như tăng vốn; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận.
Quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông sở hữu tối thiểu 26% và 36% cổ phần phổ thông của một công ty.
Khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, ĐHCĐ sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.
Tính tới ngày 14/2/2020, cơ cấu cổ đông của SAB với cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vietnam Beverage sở hữu 53,59%, Bộ Công Thương là cổ đông lớn thứ hai sở hữu 36% và các cổ đông khác. ThaiBev là cổ đông đứng sau Công ty TNHH Vietnam Beverage, qua đó gián tiếp sở hữu SAB.
Như vậy, về bản chất ThaiBev là chủ sở hữu có quyền điều hành tại SAB, tuy nhiên trở ngại lớn nhất và rủi ro có thể xảy ra khi Bộ Công Thương có quyền phủ quyết các nội dung quan trọng của doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, nhà đầu tư nhìn thấy sự bất đồng giữa lãnh đạo Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Mã chứng khoán VCG – sàn HNX), cũng như tại CTCP Xây dựng Coteccons (Mã chứng khoán CTD – sàn HOSE). Trong đó, CTD chỉ tới Đại hội cổ đông năm 2020 với thống nhất được giữa các nhóm cổ đông.
Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của tỷ lệ 36% tại doanh nghiệp, chính vì vậy, giới đầu tư đang kỳ vọng ThaiBev có thể sẽ mua bằng mọi giá cổ phiếu SAB trong đợt thoái vốn sắp tới của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, nhìn lại bài học lịch sử trước và sau khi thoái vốn SAB có thể thấy cổ phiếu thường tăng mạnh với kỳ vọng thoái vốn, tuy nhiên sau khi mọi chuyện đã kết thúc, cổ phiếu lại trải qua giai đoạn giảm mạnh. Điều này có thể thấy qua kịch bản các cổ phiếu thoái vốn trước đây là CTCP Nhựa Bình Minh (Mã chứng khoán BMP – sàn HOSE) thì có diễn biến khá tương đồng trước và sau khi thoái.
Như vậy, lịch sử có thể lặp lại nếu như Bộ Công Thương thoái vốn thành công SAB trong thời gian tới.