Cổ phiếu tăng gấp đôi, xuất hiện nhóm đầu tư lớn ở ngân hàng nghìn tỷ
Nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam mua thêm cổ phiếu vào thời điểm giá lên đỉnh điểm và ngân hàng chủ tịch Trần Anh Tuấn có những động thái đáng chú ý.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), ngày 17/8, CTCP May - Diêm Sài Gòn đã mua 6,3 triệu cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, nâng sở hữu lên gần 36,7 triệu đơn vị, tương đương 3,12%.
Cũng theo báo cáo, có 4 doanh nghiệp liên quan đến Công ty May - Diêm Sài Gòn đang nắm giữ cổ phiếu MSB là CTCP Sông Hồng, CTCP Đầu tư Tiến An, CTCP Đầu tư Phát triển Hà Tây và CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam.
Theo đó, May - Diêm Sài Gòn là cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn của Sông Hồng, còn 3 đơn vị còn lại là cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn của May - Diêm Sài Gòn.
Báo cáo của HOSE cho thấy, sau giao dịch, nhóm cổ đông liên quan và CTCP May - Diêm Sài Gòn đã nâng tổng sở hữu tại MSB từ 5,37% lên 8,49% với gần 99,8 triệu cổ phiếu.
Giao dịch được thực hiện ở đúng thời điểm cổ phiếu MSB lên đỉnh cao lịch sử, quanh ngưỡng 31.500 đồng/cp, cao gần gấp đôi so với thời điểm trước đó 6 tháng.
Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam đã phê duyệt triển khai tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 30%, tương ứng phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng.
MSB cũng có kế hoạch bán 100% công ty tài chính FCCOM. Theo ước tính, thương vụ có thể giúp MSB mang về khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid và thay đổi kế hoạch nên thương vụ đang dừng lại.
Trước đó, một dơn vị thành viên thuộc TNG Holdings muốn bán 8 triệu cổ phiếu MSB. Đó là CTCP Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL (TNL Lease), đăng ký bán ra 8 triệu cổ phiếu Ngân hàng Hàng hải từ 23/8-8/9, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,1% (từ mức 4,78%), tương đương còn 48,2 triệu cổ phần.
MSB gần đây ghi nhận hoạt động kinh doanh tốt, với lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ trong quý II tăng đột biến, gấp 10 lần so với cùng kỳ, lên hơn 2.000 tỷ đồng.
Trong quý II, lợi nhuận trước thuế của MBS gấp 2,9 lần so với cùng kỳ, đạt gần 2.000 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, MSB đạt hơn 3,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam trước đó có tên thương mại là Maritime Bank, sau đó đổi thành MSB từ đầu 2019. Cổ đông lớn nhất của ngân hàng này là VNPT, giữ hơn 6% cổ phần.
Ông Trần Anh Tuấn là Chủ tịch Hội đồng Maritime Bank nhiệm kỳ I (2012-2016) và đang là chủ tịch nhiệm kỳ II là người trực tiếp lèo lái MSB trong nhiều năm qua.
Vợ ông Tuấn là một doanh nhân nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (1970) hiện là Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group, một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc và là một cổ đông lớn của Maritime Bank. Ngoài ra, bà Hường còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TNG Holdings.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 25/8
Chốt phiên chiều 25/8, chỉ số VN-Index tăng 10,81 điểm lên 1.309,55 điểm. HNX-Index tăng 4,22 điểm lên 336,01 điểm. Upcom-Index tăng 0,35 điểm lên 91,49 điểm. Thanh khoản xuống thấp, trong cả ngày đạt 20,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 16,7 nghìn tỷ đồng.
Thị trường chứng kiến sự bứt phá của nhiều cổ phiếu. POW tăng trần thêm 700 đồng lên 11.250 đồng/cp. Masan tăng 6.500 đồng lên 135.000 đồng/cp. VietJet tăng 4.200 đồng lên 127.000 đồng/cp. Sabeco tăng 4.800 đồng lên 147.200 đồng/cp. Trong nhóm VN30, chỉ có Vingroup giảm 800 đồng; Vietinbank giảm 600 đồng; Vinhomes giảm 300 đồng. Novaland và FPT đứng giá. Còn lại, các cổ phiếu khác đều tăng điểm.
Trong phiên giao dịch sáng 25/8, sự giằng co tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, càng về cuối phiên áp lực bán càng mạnh khiến VN-Index có lúc mất 6 điểm sau khi đã mất gần 90 điểm trong 3 phiên trước đó.
Hôm nay là phiên T+3, cổ phiếu về tài khoản của những nhà đầu tư bắt đáy vào ngày thanh khoản thị trường đạt kỷ lục mọi thời đại 20/8.
Trong phiên 20/8, thị trường chứng khoán ghi nhận kỷ lục về thanh khoản. Tổng cộng trên cả 3 sàn, có tới 47,7 nghìn tỷ đồng (gần 2,1 tỷ USD) giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình gần 6,2 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2020 và khoảng 18 nghìn tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021. Dù phiên đó, VN-Index mất hơn 45 điểm nhưng chỉ số này còn giảm sâu tiếp trong các phiên tiếp theo.
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 436 điểm xuống 1.294,38 điểm. HNX-Index tăng 0,16 điểm lên 331,95 điểm. Upcom-Index giảm 0,26 điểm xuống 90,862 điểm. Thanh khoản đạt 9,9 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa nhưng nhìn chung khá yếu, nếu tăng ở mức rất nhỏ. Vietinbank giảm 800 đồng xuống 31.950 đồng/cp; MBBank giảm 450 đồng xuống 28.100 đồng/cp.
Theo VDSC, mặc dù chưa thể hồi phục nhưng VN-Index cũng đánh dấu tín hiệu ngừng giảm sau phiên giảm mạnh. tín hiệu hỗ trợ hiện tại chưa mạnh nhưng chúng ta vẫn có thể kỳ vọng nhịp phục hồi ngắn hạn của chỉ số. Dự kiến VN-Index sẽ hồi phục và kiểm tra lại vùng 1.320 -1.330 điểm trong thời gian gần tới.
Chốt phiên chiều 24/8, chỉ số VN-Index giảm 0,12 điểm xuống 1.298,74 điểm. HNX-Index giảm 3,05 điểm xuống 331,79 điểm. Upcom-Index giảm 0,33 điểm xuống 91,13 điểm. Thanh khoản trong cả ngày đạt 29,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 23,2 nghìn tỷ đồng.