Cổ phiếu thép tiêu cực, VNM bứt phá sau tin lập kỷ lục doanh thu

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, VN-Index diễn biến tích cực về điểm số và thanh khoản gia tăng. Các cổ phiếu bluechip có đóng góp lớn, tiêu biểu là VNM bứt phá về lại vùng giá sát 72.000 đồng/cp.

VNM trở thành "công thần" của thị trường phiên 31/7.

VNM trở thành "công thần" của thị trường phiên 31/7.

Đóng cửa phiên 31/7, VN-Index tăng 6,45 điểm lên mốc 1.251,51 điểm. Ngược lại, HNX-Index và UPCoM đều giảm nhẹ. Thanh khoản cải hiện hơn các phiên trước, với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 17.500 tỷ đồng.

Điểm tiêu cực là khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong tổng số hơn 4.500 tỷ đồng giao dịch. Áp lực bán ròng đến từ VIC khi mã này bị “xả” ròng tới hơn 900 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có HSG 58 tỷ đồng, CTG 58 tỷ đồng, TCB 43 tỷ đồng; HVN, HBC trên 30 tỷ đồng; SSI, PDR, VRE, VHM trên 20 tỷ đồng…

Chiều ngược lại, VNM được mua ròng đột biến gần 370 tỷ đồng, kế đến là MWG 100 tỷ đồng, FPT 85 tỷ đồng, VPB 50 tỷ đồng, HDB 36 tỷ đồng; VCB, PC1, FRT trên 20 tỷ đồng…

Thị trường hôm nay tăng điểm nhờ lực kéo của các cổ phiếu bluechip, VN30 tăng hơn 11 điểm lên mốc 1.299,09 điểm. Trong đó, VNM có đóng góp lớn nhất khi tăng 5,8% lên giá 71.600 đồng/cp. Đã rất lâu, cổ phiếu của Vinamilk mới có phiên bứt phá như vậy.

Ngoài tăng mạnh về giá, VNM còn ghi nhận thanh khoản đột biến, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21 triệu đơn vị. Dòng tiền hưởng ứng khi Vinamilk công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 khả quan. Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.656 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý 3/2021, trở thành quý có doanh thu cao nhất lịch sử hoạt động của Vinamilk.

Lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của Vinamilk đạt 2.696 tỷ đồng, tăng gần 21% so với quý 2/2023, đồng thời là quý thứ 3 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng trên 15%.

Các bluechip có đóng góp lớn khác cho chiều tăng của thị trường là GAS +3,5%, HDB +4%, VCB +1,9%, VIB +2,9%, VPB +2,4%, BID +1,7%, ACB +1,7%, TCB +1,3%... Ngược lại, HPG tác động tiêu cực nhất khi giảm 2,5%, lùi về vùng giá 27.200 đồng/cp. PLX cũng giảm 2,6%. Chiều giảm còn có BCM, GVR, MBB, MSN, SSB, SSI, VRE, với mức giảm nhẹ.

Tại nhóm thép, không chỉ HPG, HSG cũng giảm sâu 4,8%, NKG giảm 3,8%, VGS giảm hơn 6%, TVN giảm 7%...

Cổ phiếu thép diễn biến tiêu cực sau thông tin Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 30/7/2024, nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, ngày 29/7/2024, Bộ Công Thương thông tin ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ sau một thời gian xem xét yêu cầu của hai doanh nghiệp Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh và ý kiến các doanh nghiệp liên quan.

Ngoài một số cổ phiếu bluechip, dòng tiền hôm nay còn chú ý đến một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý 2/2024. NVL tăng 4% lên giá 11.850 đồng/cp. Novaland báo lãi sau thuế quý 2/2024 đạt 945,5 tỷ đồng, cao hơn nhiều khoản lỗ 684 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, cũng như khoản lỗ 601 tỷ đồng của quý 1/2024. Tại nhóm bán lẻ, ngoài MWG thì FRT cũng tăng hơn 2%. Hai doanh nghiệp này đều ghi nhận lợi nhuận phục hồi mạnh trong quý 2/2024.

Tại nhóm chứng khoán, VIX sau giai đoạn bị bán mạnh do kết quả kinh doanh kém sắc đã nhận được lực cầu bắt đáy, tăng trần lên giá 11.250 đồng/cp. Trong nhóm này còn có CSI tăng mạnh 7,4%, WSS +3,8%. Các mã lớn biến động không đáng kể.

Ở chiều giảm, HVN lại giảm sàn sau vài phiên hồi phục, HBC giảm sàn phiên thứ ba liên tiếp sau thông tin sẽ bị hủy niêm yết. SMC cũng giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp, sau khi báo lỗ quý 2/2024.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/co-phieu-thep-tieu-cuc-vnm-but-pha-sau-tin-lap-ky-luc-doanh-thu-31872.html