Cổ phiếu thép về 'trend' tăng bền?
Giá quặng và giá thép cán nóng hồi phục mạnh là chất xúc tác cho cổ phiếu thép giao dịch sôi động trở lại sau quãng giảm liên tục hơn 2 tháng trước đó, nhưng vẫn chưa chắc chắn trend tăng có bền vững.
Hạ cánh sau một năm tăng trưởng nóng
Từ mức đỉnh 56.800 đồng/cổ phiếu hồi trung tuần tháng 11/2021, việc trượt giá liên tục trong giai đoạn tháng đầu tiên của năm 2022 khiến cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong cổ phiếu gây nhiều “nuối tiếc” nhất với giới đầu tư, bất chấp có kết quả kinh doanh nhảy vọt.
Trong đó, kết thúc quý IV/2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 45.000 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận sau thuế 7.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2021, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% so với kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.
Tuy nhiên, phân tích sâu hơn kết quả kinh doanh của Hòa Phát, có thể thấy, lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 giảm 29% so với quý liền trước đó, dù đây là thời điểm các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài gần 5 tháng trên hầu hết các tỉnh, thành phố. Điều này phản ánh biên lợi nhuận giảm do giá nguyên liệu thép trên thị trường thế giới giảm.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) hồi giữa tháng 1/2022, ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ, đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, song ngành thép vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Thị trường trong nước bị chững lại nhưng các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu và trở thành quốc gia xuất ròng thép, sản lượng sản xuất lớn nhất Đông Nam Á.
Việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép đã tạo ra sự mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, đẩy giá thép lên mức cao kỷ lục vào giữa năm 2021. Điều này giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) hay Thép Nam Kim (mã NKG)… ghi nhận lợi nhuận sau thuế đột biến.
Dẫu vậy, trong giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV/2021, thông tin Trung Quốc - nhà xuất thép lớn nhất thế giới rục rịch tăng cường sản xuất trở lại, chậm nhất vào quý I/2022 sau giai đoạn ngừng công suất trước đó đã gây áp lực lên giá thép, đồng thời cũng khiến cho thị trường xuất khẩu thép thế giới biến động, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các nhà sản xuất trong nước.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, riêng trong tháng 12/2021, nước này đã xuất khẩu hơn 5 triệu tấn thép, tăng 176.000 tấn, tương đương mức tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong quý III/2021 (theo niên độ tài chính), lợi nhuận của Hoa Sen Group đã giảm 45% so với quý trước đó, còn 940 tỷ đồng; lợi nhuận của Thép Nam Kim cũng giảm 28%, xuống 607 tỷ đồng.
Sang quý IV/2021 (quý I niên độ tài chính 2021-2022 của doanh nghiệp), lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen giảm xuống mức 638,3, tương đương giảm 32% so với quý trước, còn Nam Kim suy giảm lợi nhuận 26% so với quý trước. Những diễn biến đó phần nào lý giải cho việc nhiều cổ phiếu ngành thép bị “xả” khá mạnh ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Cụ thể, cổ phiếu HSG đã mất gần 26% từ mức đỉnh gần 46.000 đồng/cổ phiếu từ hồi giữa tháng 11/2021. Trong khi đó, giá cổ phiếu NKG mất tới hơn 31% từ mức đỉnh gần 51.000 đồng/cổ phiếu trong cùng thời gian. Giá một số cổ phiếu khác như TIS (của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) “bay” gần 19% hay SMC (của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC) mất hơn 26%.
Kỳ vọng trợ lực từ thị trường trong nước
Sau Tết Nguyên đán, nhiều mã cổ phiếu thép như HPG, HSG hay NKG đã liên tục tăng mạnh trở lại, lấy lại phần nào mức giá đã mất trước Tết nhờ ảnh hưởng từ giá thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc tăng mạnh trở lại khi các khách hàng chuỗi công nghiệp trở lại làm việc và sản xuất. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn có những lo ngại nhất định với thị trường thép trong năm 2022.
Bản cập nhật về triển vọng thị trường thép năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới công bố cách đây không lâu cho thấy, năm 2022, nhu cầu thép trên toàn cầu dự báo chỉ tăng khoảng 2,2% so với năm 2021, đạt khoảng 1.896,4 triệu tấn.
Đáng chú ý, theo đánh giá của tổ chức này, nhu cầu thép của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới giảm 1% so với năm trước, trong khi tăng trưởng nhu cầu thép của các quốc gia phát triển và phần còn lại của thế giới giảm hơn một nửa, xuống còn lần lượt 4,3% và 5,0% so với cùng kỳ.
Điều quan trọng là các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội Mùa Đông 2022. Các dự báo cho thấy ít nhất 30% sản lượng thép thô được yêu cầu cắt giảm tại Trung Quốc trong khoảng 1/1/2022 đến 15/3/2022, thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa Đông, nhưng sau quý I/2022, thị trường thép thế giới sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn bởi việc phục hồi sản lượng của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Theo nhóm chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam (MBKE), cung - cầu trên thị trường thép thế giới sẽ trở nên cân bằng hơn trong tương lai và giá thép sẽ giảm từ 10 - 15% trong năm 2022. Điều này sẽ khiến cho biên lợi nhuận từ việc xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong năm 2022 có thể bị điều chỉnh. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trong nước.
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương nhận định, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được ban hành, trong đó giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng sẽ là trợ lực cho ngành thép phát triển mạnh hơn trong năm nay.
Đơn cử, tại Hòa Phát, trong tháng đầu 2022, sản lượng thép xây dựng tăng mạnh tại thị trường nội địa do nhu cầu xây dựng dân dụng và các dự án trước Tết Nhâm Dần lên cao. Khu vực miền Nam, miền Trung có sự tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt gấp hai và gấp ba lần so với cùng kỳ.
Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, kỳ vọng gói kích thích kinh tế 2022 - 2023 sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150.000 tỷ đồng, cộng với 530.000 tỷ đồng đang có sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% trong năm 2022.
Bên cạnh đó, những điều chỉnh về Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở sẽ tháo gỡ nút thắt cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản nhà ở và giúp thị trường thép trong nước tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Cũng theo VSA, để nắm bắt tốt cơ hội, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, thể hiện tốt năng lực cạnh tranh thông qua việc cơ cấu lại sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm cho việc phát triển lâu dài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng với những rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, khi hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam ngày một mở rộng, trở thành quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-thep-ve-trend-tang-ben-post291151.html