Cổ phiếu 'tìm đường' về đáy, HPG rời Top doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Cổ phiếu HPG được rất nhiều nhà chơi 'chứng' cầm trong tay đã liên tục 'lội' về đáy trong 23 tháng, từ cổ phiếu 'quốc dân' nay trở thành 'con ghẻ' của nhiều nhà đầu tư.

Sau tháng 9 đầy giông bão, thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài chuỗi ngày ảm đạm sang đầu tháng 10. VN-Index rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng kéo theo hàng loạt cổ phiếu Bluechips cũng thủng đáy trong đó không thể thiếu cái tên HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

* Cổ phiếu "trôi" về đáy 23 tháng

Trong bối cảnh VN-Index giảm mạnh xuống mức thấp nhất 20 tháng, thị giá cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát lâm vào tình cảnh sụt giảm mạnh. Chỉ tính riêng 10 phiên gần đây, cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành thép đã "bốc hơi" gần 22%.

Diễn biến kém khả quan khiến HPG đứng đầu danh sách những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Nếu so với đỉnh, thị giá HPG thậm chí còn “bốc hơi” đến gần 60% tương ứng vốn hóa bị thổi bay hơn 150.000 tỷ đồng (gần 6,4 tỷ USD), còn chưa đến 105.000 tỷ đồng.

Biểu đồ giá cổ phiếu HPG 1 tháng trở lại đây.

Biểu đồ giá cổ phiếu HPG 1 tháng trở lại đây.

Một trong những yếu tố gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu HPG từ đầu tháng 10 là động thái quay đầu bán ròng của khối ngoại. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi bán ròng HPG lên 6 phiên liên tiếp. Chỉ riêng 4 phiên giao dịch đầu tháng 10, giá trị bán ròng của khối ngoại trên cổ phiếu này đã lên đến gần 700 tỷ đồng.

Động thái có phần bất ngờ đã nhanh chóng dập tắt hy vọng chỉ mới nhen nhóm về sự trở lại của khối ngoại trên cổ phiếu đầu ngành thép sau giai đoạn bán ròng triền miên trước đó. Thống kê cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng HPG liên tiếp trong 2 tháng 8 và 9 với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là giai đoạn cổ phiếu này gần như đi ngang sau một nhịp hồi nhẹ từ đáy cũ vào cuối tháng 7.

Trong bối cảnh thị trường chung biến động không thuận lợi, cổ phiếu HPG dần "hụt hơi" và trôi về vùng đáy trước dù khối ngoại vẫn miệt mài đỡ cho đến tận những ngày cuối tháng 9. Diễn biến trở nên tệ hơn sau khi nhà đầu tư nước ngoài mất kiên nhẫn và bắt đầu bán ra.

Tính từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 5.800 tỷ đồng cổ phiếu HPG, lớn nhất sàn chứng khoán. Trước đó, HPG cũng là cái tên bị bán ròng mạnh nhất thị trường năm 2021 với giá trị lên đến 18.900 tỷ đồng.

Dù miệt mài bán ròng trong thời gian dài, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nắm giữ một lượng cổ phiếu HPG khổng lồ lên đến hơn 1,2 tỷ đơn vị (tỷ lệ 20,9%). Với vị thế cổ phiếu đầu ngành thép cùng quy mô vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu lưu hành và trôi nổi tự do thuộc hàng khủng nhất nhì sàn chứng khoán, không bất ngờ khi HPG thường xuyên nằm trong danh mục của hầu hết các quỹ ngoại tên tuổi trên thị trường như nhóm Dragon Capital, nhóm VinaCapital, LionGlobal Vietnam Fund và các ETFs,...

Trong số các cổ đông ngoại của HPG, cái tên nổi tiếng nhất phải kể đến quỹ tỷ USD thuộc Dragon Capital quản lý là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL). Thời điểm cuối năm 2021 khi quy mô của quỹ đạt gần 2,58 tỷ USD, HPG còn là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL với tỷ trọng 12,11%. Tuy nhiên, khoản đầu tư này đã rơi xuống vị trí thứ 4 tại thời điểm 22/9 với tỷ trọng 5,9% trong khi NAV của quỹ cũng đã bị thu hẹp còn 1,97 tỷ USD.

Theo thống kê, VEIL là một trong những quỹ ngoại bán cổ phiếu HPG rát nhất từ đầu năm với khối lượng lên đến 65 triệu đơn vị. Mặc dù không tham gia xả hàng trong khoảng thời gian từ 21/7-22/9 nhưng không loại trừ khả năng quỹ ngoại này đã nối lại các hoạt động bán ròng những phiên gần đây.

* Rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán

Chỉ gần một năm trước, giai đoạn cuối tháng 10/2021, Hòa Phát vẫn còn ở đỉnh cao và là doanh nghiệp giá trị lớn thứ 4 sàn chứng khoán chỉ sau Vietcombank (mã VCB), Vingroup (mã VIC) và Vinhomes (VHM).

So với đỉnh, vốn hóa của Hòa Phát đã mất đi gần 143.000 tỷ đồng (~6,2 tỷ USD), “rớt đài” nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong khi đứng thứ 10 trong Top vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sự tụt hạng của Hòa Phát khiến top 10 vốn hóa trên thị trường không còn bóng dáng của ngành công nghiệp nặng. Nhóm này hiện tại chủ yếu gồm ngân hàng và bất động sản bên cạnh một vài doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống, dầu khí như Vinamilk (mã VNM), Masan (mã MSN), PV Gas (mã GAS).

Dù không còn trong top 10 vốn hóa nhưng Hòa Phát vẫn đang trong top đầu trên cả 3 sàn về vốn điều lệ với hơn 58.000 tỷ đồng, vượt qua cả các nhà băng lớn nhất nhất thị trường và chỉ đứng sau VPB (hơn 67.000 tỷ đồng). Đồng thời, số lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (free float) của HPG cũng nhiều thứ hai sàn với gần 3,2 tỷ đơn vị.

Song, chính điều này hiện lại khiến giá cổ phiếu HPG chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dòng tiền hiện đã không còn đủ dồi dào để hấp thụ lượng cổ phiếu trôi nổi tự do (freefloat) “khổng lồ”. Điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn bùng nổ cuối năm 2021 khi giá trị giao dịch của mã chứng khoán này có phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhờ lực cầu vô cùng lớn, gánh thanh khoản của cả thị trường.

Tiếp đó, cổ phiếu HPG còn liên tục chịu áp lực bán ra mạnh từ phía nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng cũng là yếu tố gây bất lợi khi cơ cấu tài chính của Hòa Phát ghi nhận nợ vay chiếm tỷ trọng lớn.

Tính đến cuối quý II/2022, doanh nghiệp đầu ngành thép đang vay nợ hơn 70.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với các tài sản được hưởng lãi suất. Hòa Phát ước tính mỗi thay đổi 100 điểm cơ bản của lãi suất sẽ làm tăng hoặc giảm 12,43 tỷ đồng lợi nhuận thuần hợp nhất cho kỳ 6 tháng. Con số này không lớn so với lợi nhuận của Hòa Phát tuy nhiên còn có thể tăng thêm khi tập đoàn chuẩn bị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 với tổng mức đầu tư lên đến 85.000 tỷ đồng trong đó nguồn vốn vay chiếm khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trong quý II, kết quả kinh doanh của Hòa Phát cũng không mấy khả quan do ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường yếu trong khi các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá than vẫn ở mức cao.

Cụ thể, doanh thu của công ty chỉ tăng 6% lên gần 38.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 59% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 4.023 tỷ đồng do biên lợi nhuận giảm mạnh.

Giá vốn hàng bán của Hòa Phát trong quý II tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu chỉ tăng 6%.

Bên cạnh đó, Hòa Phát cho biết các lệnh trừng phạt của Châu Âu và Mỹ áp đặt lên Nga gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cùng giá xăng dầu cao làm tăng chi phí vận chuyển. Cước vận chuyển và xuất khẩu của Hòa Phát quý này tăng 205 tỷ, tương ứng 61% so với quý II/2021 giải thích cho chi phí bán hàng tăng mạnh ở mức 79%.

Giá bán thép giảm trong khi giá thành cao làm chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải trích lập ở mức rất lớn là 575 tỷ.

Ngoài ra, với nguồn nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu và dư nợ vay USD lớn, Hòa Phát ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 1.100 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái do đồng USD tăng mạnh sau nhiều lần FED tăng lãi suất. Chi phí đi vay tăng 118 tỷ tương ứng 20% do lãi suất cao cũng đồng thời cũng làm phồng lên chi phí tài chính của tập đoàn trong quý này.

Tuy vậy, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II, Hòa Phát nhận định rằng, biên lợi nhuận của quý III có thể sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý II. Tuy nhiên giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý III sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý IV”.

Theo nhận định của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát có thể tiếp tục giảm so với cùng kỳ và chạm đáy trong các quý tới. Sang năm 2023, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng 11% lên 24.00 tỷ đồng do sản lượng từ dòng sản phẩm thép chủ chốt tăng 9% và tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định.

Về trung và dài hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect vẫn tỏ ra lạc quan trước “sức khỏe” của Hòa Phát với biên lợi nhuận trong năm 2023 - 2024 cải thiện khoảng 2 điểm phần trăm so với năm 2022 lên 22,5%-22,2%. Lợi nhuận ròng có thể trưởng trở lại ở mức 18,7%-8,3% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Thùy Linh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/co-phieu-tim-duong-ve-day-hpg-roi-top-doanh-nghiep-von-hoa-lon-nhat-san-chung-khoan/261165.html