Cổ phiếu VDS vượt kháng cự bất thành sau tin lãi lớn
Giá cổ phiếu VDS của Công ty Chứng khoán Rồng Việt bật mạnh lên mức 17.800 đồng trong phiên giao dịch ngày 19/1 nhưng rồi giảm mạnh về mức 17.150.
Đầu phiên giao dịch chứng khoán ngày 19/1, giá cổ phiếu VDS thể hiện sức mạnh khá sớm khi bật nhanh từ mức giá tham chiếu 17.300 đồng lên mức giá 17.800 đồng, vượt qua mức đỉnh gần nhất là 17.700 với thanh khoản tăng nhanh. Tuy nhiên, đến khi kết phiên giao dịch, cổ phiếu VDS tụt xuống mức 17.150 đồng.
Diễn biến của cổ phiếu VDS khiến một số nhà đầu tư lo lắng, cho rằng họ dự đoán sai vận động của cổ phiếu sau tin tích cực. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khác tin rằng cổ phiếu VDS sẽ bật mạnh trong những phiên tiếp theo nhờ tin lãi lớn của Chứng khoán Rồng Việt.
Báo cáo tài chính riêng quý 4/2023 mà Chứng khoán Rồng Việt mới công bố ghi nhận doanh thu hoạt động 180,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 7,9% so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 40,7% lên 29,4 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm nhẹ 1,1% xuống còn 88,5 tỷ đồng; doanh thu môi giới chứng khoán giảm 27,8% xuống 58,3 tỷ đồng.
Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động giảm 58,8% xuống 78,2 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ các tài sản tài chính FVTPL và chi phí hoat động tự doanh.
Kết quả là, Chứng khoán Rồng Việt báo lãi sau thuế 74,5 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với con số cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 327,3 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ ròng 98,6 tỷ đồng. Năm 2023, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 216,6 tỷ đồng, như vậy VDSC đã thực hiện 151,1% chỉ tiêu này.
Thời điểm cuối năm 2023, tổng giá trị tài sản đạt gần 5.290 tỷ đồng, tăng 156 tỷ đồng so với cuối quý 3/2023. Trong đó, cho vay ký quỹ 2.247 tỷ đồng, giảm 18,2% so với cuối quý 3/2023.
Về hoạt động tự doanh, trong quý 4/2023, công ty lãi bán các tài sản tài chính FVTPL 17,5 tỷ đồng, lỗ bán các tài sản tài chính FVTPL 20,5 tỷ đồng. Như vậy, VDSC lỗ ròng mảng này 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó lỗ ròng đến 60,4 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, danh mục FVTPL có giá trị gốc 1.034 tỷ đồng, giảm 27,1% so với thời điểm cuối quý 3/2023. Tuy nhiên, danh mục này có giá trị thị trường 1.061 tỷ đồng. Như vậy, công ty đang lãi danh mục FVTPL 27 tỷ đồng.
Về danh mục FVTPL, trong quý 4/2023, VDSC đã bán toàn bộ 35,2 tỷ đồng cổ phiếu GEX; 34,1 tỷ đồng cổ phiếu MBB; và 21,5 tỷ đồng cổ phiếu BSR. Ngược lại, mua thêm 48,6 tỷ đồng VNM và 40,2 tỷ đồng KDC. Ngoài ra, công ty giảm tỷ trọng đối với cổ phiếu DBC từ 213 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2023) xuống còn 141,8 tỷ đồng và mã QNS từ 93,8 tỷ đồng xuống 33,2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản đầu tư vào trái phiếu của công ty cũng giảm 30,3% xuống còn 496,1 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, danh mục AFS của công ty có giá trị gốc 200,8 tỷ đồng, giá thị trường 211 tỷ đồng. Như vậy, VDSC đang lãi danh mục này 10,1 tỷ đồng.