Cổ phiếu 'vua gạo' An Giang lao dốc

Cổ phiếu AGM của Angimex trở thành tâm điểm của phiên 23/9 khi bắt đầu bị bán tháo mạnh. Trước đó, cổ phiếu nông nghiệp này từng chứng kiến chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp.

 Cổ phiếu AGM của Angimex quay đầu giảm sàn 2 phiên sau chuỗi tăng trần liên tiếp. Ảnh: AGM.

Cổ phiếu AGM của Angimex quay đầu giảm sàn 2 phiên sau chuỗi tăng trần liên tiếp. Ảnh: AGM.

Sau 4 phiên giao dịch khởi sắc cả về điểm số lẫn thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam một lần nữa quay lại trạng thái thận trọng trong phiên 23/9.

Chỉ số VN-Index đột biến đầu phiên nhưng không kéo dài quá lâu, mặt khác nhanh chóng rơi xuống dưới tham chiếu. Nhóm ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ thị trường, phần nào ngăn cản chỉ số không trôi quá xa.

Kết phiên, VN-Index giảm 3,56 điểm (-0,28%) xuống 1.268,48 điểm; HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,39%) xuống 233,38 điểm; UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,01%) lên 93,65 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường sụt giảm mạnh 40% so với phiên cuối tuần trước xuống hơn 14.300 tỷ đồng.

Bảng điện tử bị sắc đỏ chiếm sóng với 440 mã giảm (gồm 13 mã giảm sàn), 844 mã giữ tham chiếu và 321 mã tăng (gồm 27 mã tăng trần).

Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 19 mã giảm, 2 mã đứng giá và 9 mã tăng. Sự áp đảo của nhóm điều chỉnh khiến chỉ số đại diện rổ này đi lùi 0,4% xuống 1.321 điểm.

 Nhóm tài chính cố gắng bảo vệ thị trường. Ảnh: VNDirect.

Nhóm tài chính cố gắng bảo vệ thị trường. Ảnh: VNDirect.

Phiên hôm nay, nhóm bảo vệ chỉ số tập trung hầu hết cổ phiếu tài chính như VCB (+0,3%), SSI (+1,3%), BVH (+1,6%), LPB (+0,6%), VPB (+0,3%), TPB (+1%) và MBB (+0,2%). Bên cạnh đó còn có các mã sản xuất như BMP (+4,3%), VNM (+0,3%) và HPG (+0,2%).

Ở chiều đối nghịch, áp lực kéo chân chỉ số chủ yếu đến từ BID (-0,7%), FPT (-1%), SSB (-3,6%), TCB (-0,9%), HVN (-2,5%), VRE (-2,6%), MWG (-1%), PLX (-1,6%), CTG (-0,3%) và VHM (-0,2%).

Một trong những tâm điểm của phiên giao dịch hôm nay là cổ phiếu AGM của “vua gạo” Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex. Sau chuỗi tăng trần 8 phiên liên tiếp, cổ phiếu bắt đầu quay đầu điều chỉnh mạnh và giảm sàn 2 phiên gần nhất, xuống mốc 4.190 đồng/đơn vị.

Trước đó, trong văn bản giải trình lý do cổ phiếu tăng trần liên tiếp, Angimex cho biết tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống tăng lên.

 Cổ phiếu AGM thường xuyên có những giai đoạn tăng giảm đột biến. Ảnh: TradingView.

Cổ phiếu AGM thường xuyên có những giai đoạn tăng giảm đột biến. Ảnh: TradingView.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng việc Ấn Độ đang xem xét nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo đang được xem là yếu tố có thể khiến thị trường xuất khẩu gạo cuối năm có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, siêu bão Yagi đã gây thiệt hại nặng cho các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô tại các tỉnh miền Bắc. Nguy cơ thiếu hụt lương thực dẫn đến biến động tăng giá trong nước có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư.

Đáng chú ý, đà leo dốc của Angimex xuất hiện trong bối cảnh doanh nghiệp này thua lỗ nặng. Riêng 6 tháng đầu năm, doanh thu của Angimex giảm một nửa so với cùng kỳ xuống gần 151 tỷ đồng, còn lỗ sau thuế tăng lên hơn 98 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế lên hơn 264 tỷ đồng.

Với thị trường chung, khối ngoại giao dịch tương đối ảm đạm nhưng vẫn duy trì mua ròng với quy mô 80 tỷ đồng, dồn chủ yếu vào FUEVFVND (+68 tỷ đồng), HCM (+64 tỷ đồng), NAB (+41 tỷ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu VRE dẫn đầu danh mục bán ròng với 48 tỷ đồng, MCH (-40 tỷ đồng), VND (-30 tỷ đồng).

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-phieu-vua-gao-an-giang-lao-doc-post1499674.html