Cơ quan báo chí nỗ lực truyền thông về môi trường, hướng tới phát triển kinh tế xanh
Xác định báo chí có vai trò đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Vì thế, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả tạo thành cầu nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp thực hiện các chủ trương về bảo vệ môi trường, hướng tới kinh tế xanh.
Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh. Tại Hội nghị Khí hậu COP 26, Việt Nam gây ấn tượng với cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%.
Theo đó, tất cả những hoạt động từ dịch vụ, sản xuất công nghiệp cho đến tiêu dùng đều phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Trên tinh thần đó các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền đưa những chủ trương, chính sách của các cơ quan chức năng đến được với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời cơ quan báo chí cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động này, bởi doanh nghiệp là nơi sản xuất dịch vụ và trực tiếp chịu ảnh hưởng của các chính sách này.

Phóng viên nhà báo đi thực tế, thăm phòng thí nghiệm của Nhóm nghiên cứu Vi nhựa – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: PT
Từ chính sách cho đến thực tiễn, các cơ quan báo chí đã và đang cụ thể hóa những gì Chính phủ và doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện. Bằng nhiều cách truyền thông khác nhau, những thông tin vĩ mô, khô khan, nhiều thuật ngữ chuyên ngành về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn được chuyển thành những câu chuyện gần gũi, bài báo sinh động, dễ hiểu, dễ cảm cho bạn đọc.
Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ báo chí Phát triển Xanh chia sẻ: "Báo chí không chỉ truyền tải thông tin về chuyển đổi xanh từ Chính phủ và các doanh nghiệp mà còn truyền thông điệp rất rõ ràng về xu thế chuyển đổi xanh để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững. Đồng thời, truyền cảm hứng cho người dân, cộng đồng để họ chung tay với các hoạt động, các chương trình, dự án chuyển đổi xanh. Khi cả cộng đồng tham gia thì những chủ trương, chính sách lớn và những hoạt động của doanh nghiệp mới có thể thành công được".
Ở góc nhìn tích cực hơn, các cơ quan báo chí còn tuyên truyền đậm nét những doanh nghiệp đã vượt qua rào cản và vươn lên từ khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh. Báo chí phát hiện những điểm sáng, nêu ra các sáng kiến, giải pháp và góp phần đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống.
Không chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, trong thời gian qua Hội Nhà báo Việt Nam cũng tích cực tham gia vào hoạt động tuyên truyền về kinh tế xanh. Hội Nhà báo đã tập hợp được đội ngũ những người làm báo cả nước và tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về chủ đề môi trường nói chung và phát triển kinh tế xanh nói riêng. Ngoài ra còn có những chương trình bồi dưỡng kiến thức phát triển bền vững về môi trường trong tình hình mới cho đội ngũ phóng viên.
Phát triển xanh có thể rất rộng, từ tín dụng xanh, du lịch xanh, công nghiệp xanh… Trước tất cả những vấn đề đó, phóng viên cần được trang bị kiến thức thực tế, giúp họ có những tuyến bài viết về vấn đề này phù hợp hiệu quả.

Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp học: “Hạt vi nhựa: Ô nhiễm môi trường và những tác động tiềm ẩn trên sức khỏe”. Ảnh: PT
Thực tế cho thấy, nhờ các khóa học, các chương trình đào tạo đã giúp người làm báo hiểu rõ hơn các quan điểm cốt lõi của bảo vệ môi trường, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn trong bức tranh toàn cảnh của phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
Để báo chí tiếp tục tạo được hiệu quả trong công tác này, nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Báo chí phải tham gia với tư cách người trong cuộc, thậm chí phải đủ sức hình thành các dòng thời sự chủ lưu về chuyển đổi xanh bằng những nội dung chuyên sâu chứ không chỉ những nội dung thời sự. Nghĩa là báo chí không chỉ truyền tải thông tin về chủ đề thời sự và thời đại này mà phải truyền được thông điệp thuyết phục và truyền được cảm hứng tích cực để công chúng hiểu rõ, cảm nhận được và cùng hành động.
Bên cạnh đó, đối với những tờ báo khác, sẽ có những vệt, những tuyến bài về tăng trưởng xanh phù hợp với tôn chỉ mục đích của mình. Muốn làm như thế, trước hết ở mỗi tòa soạn, có thể tổ chức những buổi tập huấn mời các chuyên gia trao đổi hoặc Hội Nhà báo các cấp có thể tổ chức tập huấn cho các nhà báo về những vấn đề phát triển xanh.
“Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, việc nâng cao nhận thức cho người làm báo cần đi liền với việc trang bị kỹ năng làm báo gắn với chuyển đổi số của mỗi tòa soạn. Muốn truyền thông về chuyển đổi xanh hiệu quả thì cần song hành với công nghệ làm báo hiện đại. Các tòa soạn nếu không chuyển sang chuyển đổi số thì chúng ta khó lòng có những tuyến bài sâu về vấn đề này”, nhà báo Trần Trọng Dũng nhấn mạnh.