Cơ quan chức năng nói gì về hiện tượng cá nuôi lồng bè chết ở Hà Tĩnh
Chiều ngày 19-9, Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) vừa có văn bản số 123/TTQT báo cáo kết quả quan trắc đột xuất cá nuôi trong lồng bè chết tại Hà Tĩnh.
Theo đó, sau khi nhận được công văn của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ kiểm tra xác định nguyên nhân gây chết cá nuôi lồng bè tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; được sự đồng ý của Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã tiến hành phân tích 3 mẫu nước do Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh gửi và 4 mẫu nước, 4 mẫu cá, 5 mẫu ốc hương do Trung tâm kết hợp với Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thu mẫu.
Kết quả phân tích các thông số môi trường nước cho thấy, độ mặn dao động từ 1 - 3‰ (độ mặn vùng nuôi trước khi xảy ra bão lũ dao động từ 10 - 15‰ ). Độ kiềm dao động từ 20 - 40mg/l, thấp hơn giới hạn thích hợp là 60 - 180mg/l. Hàm lượng Fets trong mẫu nước (hàm lượng sắt hòa tan trong mẫu nước...) cao hơn giới hạn 3,4 lần… Kết quả phân tích virus VNN và lrrido bằng phương pháp PCR từ 4 mẫu cá thu được đều cho kết quả âm tính.
Căn cứ trên các thông số môi trường nước đã phân tích, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc tạm thời nhận định do sự biến động đột ngột của độ mặn, kết hợp với sự bất lợi của các yếu tố: hàm lượng ôxy hòa tan, độ kiềm, hàm lượng Fets có thể là nguyên nhân gây chết hàng loạt cá tại Hà Tĩnh.
Cũng theo báo cáo, hiện tượng cá nuôi lồng bè tại xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà bị chết hàng loạt bắt đầu từ 12 giờ ngày 8-9 đến 2 giờ sáng ngày 9-9. Hiện tượng chết xảy ra đối với tất cả các loại cá lồng bè mặn lợ với nhiều đối tượng và kích cỡ khác nhau. Ngoài ra, một số loài cá tự nhiên cũng bị chết.
Biểu hiện chết: cá trong lồng bè đồng loạt bơi nổi đầu lên mặt nước, đớp khí và sau đó chết hàng loạt, cá chết hết trong vòng 2-3 giờ và xảy ra ở tất cả các lồng nuôi. Trước khi cá chết xuất hiện vệt nước màu đỏ nâu. Khi nước to thì không chết nhưng đến khi nước rút thì cá chết.
Hiện tượng cá chết chỉ xảy ra ở các sông nước mặn lợ chứ không xảy ra ở các vùng biển. Đối với ốc hương thì chết ngay sau khi trời mưa, độ mặn xuống 10‰.
Trước khi xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt, thời tiết khu vực Hà Tĩnh có nắng nóng kéo dài, từ ngày 29-8 xảy ra hiện tượng mưa lũ kéo dài, gây ngập úng trên diện rộng, nước thượng nguồn đổ về nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng nghề nuôi trồng thủy sản.
Cơ quan chức năng khuyến cáo và đề nghị người dân không thả giống cá mới ở thời điểm hiện tại, tập trung vệ sinh lưới lồng, khử trùng và phơi khô trước khi sử dụng nuôi vụ tiếp theo. Chỉ thả giống mới khi có khuyến cáo của cơ quan chức năng, không vứt cá chết ra ngoài môi trường, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý địa phương.
Trước đó, sau ảnh hưởng mưa lũ, từ ngày 8-9 đến 9-9, khoảng 100 tấn cá chẽm, cá hồng của hàng trăm hộ dân nuôi trong lồng bè trên các sông Đò Điệm, Nghèn, Rào Cái, Hội ở địa bàn huyện Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh bất ngờ bị chết trắng hàng loạt, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 10ha với gần 30 tấn ốc hương của người dân nuôi ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cũng bị chết hàng loạt.