Cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động điều tiết giá nhà ở

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã xây dựng kế hoạch giám sát năm 2024, trong đó tập trung theo dõi tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tham luận - (Ảnh: Duy Linh).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tham luận - (Ảnh: Duy Linh).

Theo đánh giá của một số tổ chức nghiên cứu, chi phí phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở có thể tăng lên khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu năm 2025 do việc định giá đất sát với giá trị thị trường hơn.

Vì vậy, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về bất động sản, nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường đất đai, bất động sản, hướng tới công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Nội dung trên được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Hoàng Thanh Tùng nêu trong tham luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 7/3.

Về giám sát việc triển khai Luật Nhà ở, ông Tùng nêu rõ, Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật có nhiều nội dung mới, quan trọng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ pháp luật; bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi cụ thể, đơn giản hóa trình tự, thủ tục đầu tư dự án phát triển nhà ở nhằm huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở, trọng tâm là các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp; bổ sung, hoàn thiện nhiều quy định nhằm khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện về nhà ở, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà chung cư...

Ông Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đã xây dựng kế hoạch giám sát năm 2024, trong đó tập trung theo dõi tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, bao gồm: Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 1 Điều 40 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật và việc tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đang tham mưu giúp Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, trong đó tập trung vào nội dung về phát triển nhà ở xã hội.

Đây là nội dung chính sách lớn, rất quan trọng để đưa Luật Nhà ở vào cuộc sống, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Để tiếp tục triển khai thi hành Luật Nhà ở đáp ứng yêu cầu đề ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng bộ với các luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Trong quá trình tổ chức thi hành Luật, đề nghị Chính phủ kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.

Kiến nghị tiếp theo là Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không phải là đất ở). Việc thí điểm nên được triển khai tại một số tỉnh, thành phố lớn... để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn lực về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cơ quan của Quốc hội nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Tùng đề nghị Chính phủ tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định mới về nhà ở xã hội để tăng cường thu hút nguồn lực phát triển phân khúc này, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/co-quan-cua-quoc-hoi-de-nghi-chinh-phu-chu-dong-dieu-tiet-gia-nha-o-d210255.html