Cơ quan cứu trợ lo ngại hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan sụp đổ
Hai cơ quan viện trợ lớn cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe của Afghanistan có nguy cơ sụp đổ sau khi các nhà tài trợ nước ngoài ngừng cung cấp viện trợ từ khi Taliban tiếp quản đất nước này.
Một người đàn ông Afghanistan nhận viện trợ từ Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sau một trận động đất, ở huyện Behsud của tỉnh Jalalabad, Afghanistan, vào ngày 28 tháng 10 năm 2015. Ảnh: REUTERS
Bài liên quan
Mỹ hoàn tất việc rút lực lượng khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 20 năm
'Thế hệ Z' của Afghanistan lo sợ về tương lai
Quân đội Mỹ vô hiệu hóa 73 máy bay trước khi rời sân bay Kabul
Sau khi Mỹ rút phần lớn binh lính còn lại vào tháng trước, Taliban đã tăng tốc chiến dịch quân sự, giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15 tháng 8.
Các nhà tài trợ quốc tế bao gồm Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu đã đóng băng tài trợ cho Afghanistan ngay sau đó.
Filipe Ribeiro, đại diện Afghanistan của Médecins Sans Frontìeres (MSF), một trong những cơ quan viện trợ y tế lớn nhất nước, cho biết: “Một trong những rủi ro lớn đối với hệ thống y tế ở đây là cơ bản sụp đổ vì thiếu sự hỗ trợ. Hệ thống y tế tổng thể ở Afghanistan thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị và thiếu nguồn vốn trong nhiều năm. Và rủi ro lớn là tình trạng thiếu hụt này sẽ tiếp tục theo thời gian".
Necephor Mghendi, người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) Afghanistan, cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã mỏng manh và phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, đã phải chịu thêm nhiều căng thẳng. Ông nói: “Các nhu cầu nhân đạo trên thực tế là rất lớn."
Cả hai cơ quan viện trợ cho biết trong khi các hoạt động của họ nhìn chung không bị ảnh hưởng, nhưng họ đã thấy nhu cầu tăng lên đáng kể do các cơ sở khác không thể hoạt động đầy đủ.
Ông Mghendi cho biết việc đóng cửa các ngân hàng Afghanistan có nghĩa là hầu hết các cơ quan nhân đạo không thể tiếp cận nguồn vốn, khiến các nhà cung cấp và nhân viên không được trả lương.
Thêm vào đó, nguồn cung cấp y tế sẽ cần được bổ sung sớm hơn dự kiến. "Nguồn cung cấp được cho là kéo dài trong ba tháng sẽ không thể đáp ứng đủ. Chúng tôi có thể cần phải bổ sung sớm hơn nhiều", Mghendi nói.
Ribeiro cho biết MSF đã dự trữ các nguồn cung cấp y tế trước khi tiếp quản nhưng do các chuyến bay bị gián đoạn và biên giới đất liền hỗn loạn, không rõ khi nào sẽ có nhiều chuyến hàng hơn nữa đến đất nước.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hôm thứ Hai (30/8) rằng một máy bay chở 12,5 tấn thuốc men và vật tư y tế đã hạ cánh xuống Mazar-i-Sharif ở miền bắc Afghanistan, chuyến hàng đầu tiên kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát.
Trong thời kỳ nắm quyền từ năm 1996-2001, phiến quân Hồi giáo Taliban có mối quan hệ không mấy dễ chịu với các cơ quan viện trợ nước ngoài, họ đã trục xuất nhiều người bao gồm cả người của MSF vào năm 1998.
Lần này, Taliban cho biết họ hoan nghênh các nhà tài trợ nước ngoài, và sẽ bảo vệ quyền lợi của nhân viên nước ngoài và địa phương - một cam kết cho đến nay vẫn được giữ nguyên, Ribeiro nói.
"Họ thực sự yêu cầu chúng tôi ở lại, và họ yêu cầu chúng tôi tiếp tục điều hành các hoạt động của mình theo cách mà chúng tôi đã điều hành trước đây", ông nói.