Cơ quan đại diện Việt Nam: Phối hợp chặt chẽ bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam ở nước ngoài

Sáng 31/7, Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 do Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).

Đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023 do Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tiếp đoàn có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý Lao động ngoài nước…

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chúc mừng các vị Trưởng cơ quan đại diện vừa được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao trọng trách làm đại diện cho Việt Nam tại nước ngoài.

Thông báo với đoàn về các kết quả hoạt động của ngành cũng như tình hình hợp tác quốc tế, định hướng hợp tác với một số nước trên thế giới về lao động, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, mục tiêu trong năm 2020, toàn ngành cố gắng tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người. Trong đó, Bộ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai thực hiện các chương trình đào tạo theo các bộ chương trình đã chuyển giao từ Australia, Đức và nhân rộng đào tạo ra cả nước, góp phần hình thành đội ngũ nhân lực có tay nghề, đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH cũng đã hợp tác thông qua gần 200 Thỏa thuận và Biên bản ghi nhớ với hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, gần 20 tổ chức quốc tế và khu vực và hơn 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các đơn vị của Bộ đã thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội; Tăng cường hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), các cơ quan thuộc Liên Hợp quốc và các diễn đàn khu vực; Chủ động tham gia các Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ; Tăng cường đối thoại chính sách với các đối tác song phương về lao động, việc làm, an sinh xã hội. Bộ cũng tăng cường chủ động khai thác sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật tài chính cho việc xây dựng các chiến lược, các ưu tiên lớn của ngành trong giai đoạn 2020- 2025...

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, hai Bộ đã có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ trong công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, thời gian qua, hai Bộ đã có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ trong công tác, đặc biệt là trong mở rộng, thúc đẩy các thỏa thuận, thay đổi các thỏa thuận để mở rộng thị trường lao động ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến việc xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ đầu năm 2020 đến nay. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn Bộ Ngoại giao nói chung và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng tiếp tục phối hợp, hợp tác mở cửa các thị trường tiềm năng tại châu Âu...; hỗ trợ trong công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài nói chung cũng như với người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cảm ơn sự đón tiếp của Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, chúc mừng những thành tựu mà ngành lao động đã đạt được, đặc biệt là trong hợp tác quốc tế về xuất khẩu lao động.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao nói chung và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH triển khai các mặt công tác về quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài lao động tại Việt Nam; Tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội, tổ chức đưa lao động Việt Nam đi ra nước ngoài, mở rộng thị trường, giải quyết vướng mắc trong quá trình người lao động làm việc ở nước sở tại...

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi khẳng định, Bộ Ngoại giao nói chung và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH triển khai các mặt công tác về quản lý người lao động Việt Nam ở nước ngoài cũng như người nước ngoài lao động tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi về những điểm mới trong Bộ Luật Lao động mới (2019) sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 sẽ tác động đến các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam, về chính sách tiền lương, chế độ làm việc của người lao động… Trong công tác đưa người lao động đi nước ngoài, cần nhấn mạnh hơn đến chuẩn hóa tiêu chuẩn đưa người lao động ra nước ngoài, đến đào tạo nghề...

Hai bên cũng trao đổi cụ thể về các biện pháp để quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, người lao động thời vụ, lao động tự do ở nước ngoài, công tác bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài khi dịch bệnh xẩy ra...

Trong bối cảnh lao động tự do là thách thức lớn đối với công tác bảo hộ công dân, chưa kể tình trạng lao động bị lạm dụng, buôn bán người bất hợp pháp... Thứ trưởng Đặng Minh Khôi đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ các mặt công tác này để hoạt động đưa người lao động sang các nước được an toàn; ưu tiên xuất khẩu lao động sang các nước phát triển ổn định, an toàn. Hạn chế đưa các lao động có tay nghề thấp, lao động chưa được đào tạo ra nước ngoài… để tránh bị lạm dụng, bị xâm phạm quyền con người.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Hai bên cũng trao đổi về tình hình cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lao động tự do đi sang các nước, nạn buôn bán người, công tác thông tin tuyên truyền, biện pháp nâng cao đời sống tinh thần của người lao động ở nước ngoài. Cùng với quá trình hội nhập, những năm gần đây lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng lên qua các năm, hai bên sẽ phối hợp tốt hơn trong quản lý đối tượng này.

Tin/ảnh: Tuấn Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-quan-dai-dien-viet-nam-phoi-hop-chat-che-bao-ve-quyen-va-loi-ich-cua-nguoi-lao-dong-viet-nam-o-nuoc-ngoai-120591.html