Cơ quan Hải quan đề nghị thu hồi 280 giấy phép C/O cấp không đúng quy định
Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương sớm có quy định chính thức thế nào là hàng 'made in Vietnam' để lực lượng chức năng có căn cứ xử lý vi phạm pháp luật về luôn lậu, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Đây là một trong những đề xuất quan trọng của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ Ban Chỉ đạo 138/CP (phòng chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (phòng chống buôn lậu)diễn ra sáng ngày 23/7/2020.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã báo cáo tham luận về chống gian lận xuất xứ (C/O), chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, thời gian qua lực lượng hải quan đã tịch thu và xử lý 50.000 sản phẩm xe đạp và xe đạp điện giả mạo Việt Nam xuất sang Mỹ. "Nhờ sự vào cuộc kịp thời của Việt Nam mà phía Mỹ chưa xét Việt Nam vào nhóm tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại...", Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nói.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, đặc biệt đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm, cơ quan hải quan đã điều tra xác định được một doanh nghiệp không được các cấp có thẩm quyền cho phép cấp giấy chứng nhận C/O. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã tự ý cấp và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O không đúng cho 30 doanh nghiệp xuất khẩu.
"Cơ quan hải quan đang phối với Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, cơ quan chức năng chuẩn bị đưa ra khởi tố vụ án, khởi tố doanh nghiệp nói trên", lãnh đạo Tổng cục Hải quan phát biểu.
Qua thực tiễn điều tra của lực lượng hải quan, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (hai đơn vị được cấp chứng nhận C/O) nhanh chóng thu hồi 280 giấy phép C/O cấp không đúng quy định.
Ví dụ: Doanh nghiệp kê khai sản xuất gỗ ván ép được cấp C/O xuất xứ hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khi hải quan xác minh nguồn gốc gỗ mua từ nông trường mà doanh nghiệp khai báo, giám đốc lâm trường và chủ tịch xã thừa nhận nhận tiền để khai có cung cấp gỗ cho doanh nghiệp, thực tế lâm trường không có gỗ.
Ngoài vấn đề vi phạm gian lận thương mại, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết vấn đề nan giải nhất hiện nay là không có quy định rõ thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn "made in Vietnam" để cơ quan thực thi nhiệm vụ làm căn cứ pháp lý để xử phạt hành vi vi phạm.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết thêm, cơ quan hải quan nhận thấy hàng nước ngoài nhưng ghi "made in Vietnam" nhập về nước, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, lực lượng hải quan tổ chức đấu tranh mạnh ở tuyến biên giới, cửa khẩu về mặt hàng này.
Để ngăn chặn vi phạm, cơ quan hải quan đề nghị Bộ Công thương có quy định chính thức thế nào là hàng "made in Vietnam" để lực lượng chức năng có căn cứ xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Bộ Công thương trả lời phải đến tháng 6/2021 mới có được quy định chính thức. Vậy, khoảng trống pháp lý hiện nay, lực lượng thực thi công vụ xử lý thế nào?
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đề nghị: "Nếu chưa có quy định rõ ràng thế nào là hàng "made in Vietnam" thì cần theo thông lệ không phân biệt hàng trong nước và hàng xuất khẩu".
Về vấn đề nổi cộm hiện nay là kho hàng ICD chứa hàng trăm nghìn sản phầm hàng giả, hàng nhập lậu. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, sai phạm phát sinh do cho phép kinh doanh cả hàng xuất nhập khẩu tại đây. Ông Cẩn đề nghị cho phép xây hàng rào để ngăn cách hàng nhập khẩu và hàng trong nước./.