Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ mạnh cỡ nào?
Mới đây, cơ quan phát triển tài chính Mỹ (DFC) ngỏ ý muốn đầu tư vào Việt Nam. Liệu DFC có đủ lực để giúp Việt Nam trở thành đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
DFC là gì?
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) là một cơ quan độc lập của Chính phủ Hoa Kỳ chuyên cung cấp tài chính cho các dự án phát triển tư nhân. Nó được tạo ra bởi Đạo luật đầu tư phát triển (BUILD) năm 2018 và được đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp ngày 5 tháng 10 năm 2018.
Trên thực tế, DFC là sự hợp nhất và hiện đại hóa của Tập đoàn đầu tư nước ngoài (OPIC) và Cơ quan tín dụng phát triển (DCA) của USAID. Chính vì vậy, ngoài các tiềm lực tài chính hiện có của OPIC và DCA, DFC còn được trang bị “hỏa lực” đầu tư lên đến 60 tỷ đô la và các công cụ tài chính mới.
Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc đã tiếp xúc và làm việc với Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Adam Boehler. Trong cuộc tiếp đón này, đại diện DFC cho biết, phía Mỹ xác định Việt Nam sẽ là “một đối tác ưu tiên và quan trọng” trong các dự án tại khu vực sắp tới, kể cả các dự án sản xuất chiến lược trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
Thực chất, DFC là một dạng ngân hàng đầu tư phát triển của Mỹ, nó có khả năng cho vay tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc gia mới nổi và đồng thời tài trợ các giải pháp cho những quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, DFC còn củng cố chính sách đối ngoại và lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, người ta chỉ biết nhiều về USAID và các dự án hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam. Trong gần 8 năm qua, USAID đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nâng cao năng lực, mở rộng quy mô hoạt động, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đào tạo các lãnh đạo mới, giảm thời gian và chi phí thương mại.
Đồng thời kiện toàn khung pháp luật và thể chế ở cấp trung ương, địa phương nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân. Cũng vào tháng 4 vừa qua, USAID công bố hỗ trợ gần 4,5 triệu đô la để giúp Việt Nam trong ứng phó đại dịch COVID-19. Khoản tài trợ này sẽ được sử dụng cho hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó dịch bệnh.
Tuy nhiên, với DFC thì người ta mới biết đến vào đầu năm 2020 khi mà Giám đốc điều hành DFC, Adam Boehler có cuộc diện kiến cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong một kỳ vọng hợp tác đầu tư vào hạ tầng kết nối tiểu vùng sông Mekong.
DFC có những sự đầu tư lớn vào các lĩnh vực trên toàn thế giới như là Châu Phi, Mỹ Latinh hay là châu Á. Ảnh DFC.
Về cơ bản, DFC có những sự đầu tư lớn vào các khu vực trên toàn thế giới như là châu Phi, Mỹ Latinh hay là châu Á trong thời gian gần đây. Các lĩnh vực đầu tư của DFC khá đa dạng, từ công nghệ đến cơ sở hạ tầng, năng lượng hay là chăm sóc sức khỏe cho đến tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, nông nghiệp và giáo dục cũng là hướng đầu tư trọng điểm của DFC.
Việt Nam mong chờ gì từ DFC?
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh “trao ấn kiếm” cho DFC. Trong sắc lệnh hành pháp của tổng thống có đoạn: “Giám đốc điều hành của DFC được phép sử dụng thẩm quyền theo Đạo luật, với sự tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ trưởng An ninh Nội địa…, để sản xuất các nguồn lực chiến lược trong nước cần thiết để ứng phó với sự bùng phát COVID-19, hoặc tăng cường bất kỳ chuỗi cung ứng nội địa nào có liên quan”.
Sáng kiến "vành đai và con đường" của Trung Quốc đang được đẩy mạnh ở một số nước đang phát triển.
Có thể nói, sáng kiến thành lập DFC là một “khái niệm đầu tư tư nhân” để bổ sung cho các dự án viện trợ do chính phủ Mỹ tài trợ thông thường ở các nước đang phát triển. DFC sẽ nhắm đến việc cung cấp một giải pháp tín dụng thay thế cho các khoản đầu tư do Mỹ nhắm đến các thị trường mới nổi mà lại đang vướng mắc ở rào cản cơ chế.
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế phân tích, đây chính là một “phản ứng” mạnh mẽ của chính quyền Trump đối với các khoản đầu tư ở nước ngoài bằng sáng kiến “Vành đai và con đường” đang phát triển của chính quyền Bắc Kinh. Nói cách khác, DFC được dự định là một đối trọng của người Mỹ đối với dự báo sức mạnh mềm của Trung Quốc.
Thời điểm hiện tại, khi mà COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới, thì việc chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy ở nhiều mắt xích quan trọng. Khiến cho một loạt các doanh nghiệp của Mỹ đã và đang tính đến phương án chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung, giảm thiểu rủi ro.
Hiện tại, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở thời kỳ hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực. Theo như cách nói ngoại giao thì ngày càng có sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi chính sách thương mại cân bằng với Hoa Kỳ.
Với nguồn “năng lượng” dồi dào lên đến 60 tỷ USD, Adam Boehler khẳng định, DFC sẽ nỗ lực góp phần để Hoa Kỳ vươn lên đứng vào nhóm đầu các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chứ không chỉ dừng ở thứ 11 như hiện nay.
Chưa biết liệu DFC có thể thay đổi được số thứ tự của Hoa Kỳ trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam hay không nhưng có thể nói, cơ hội đón sóng đầu tư trong cuộc chiến toàn diện Mỹ-Trung lại gõ cửa chúng ta.