Cơ quan quản lý làm gì để tăng lương không tăng giá?

Sẽ đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện…, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng này. Thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay.

Đợt cải cách tiền lương từ 1- 7 tới đây được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản. Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% cho công chức, viên chức trở thành một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương. Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo thường trực, đó là giá cả tăng theo lương. Nếu giá cả thị trường tăng quá cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo lại gặp khó khăn vì tăng lương không theo kịp giá cả thị trường.

Trước những lo ngại này, tại họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính vào ngày 18/6, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thông tin, với những chỉ đạo kịp thời từ Ban chỉ đạo điều hành giá thì hy vọng việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng giá trong những tháng cuối năm.

Từ ngày 1/7, chính sách cải cách tiền lương dự kiến có hiệu lực. Đi kèm với niềm vui tăng lương, thêm thu nhập là nỗi lo lắng của nhiều người lao động, người làm công ăn lương bởi điệp khúc “lương chưa tăng giá đã vội tăng”.

Từ ngày 1/7, chính sách cải cách tiền lương dự kiến có hiệu lực. Đi kèm với niềm vui tăng lương, thêm thu nhập là nỗi lo lắng của nhiều người lao động, người làm công ăn lương bởi điệp khúc “lương chưa tăng giá đã vội tăng”.

Lý giải cho nhận định này, bà Nhung cho hay, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2024 ở mức 4-4,5%; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước định giá, bà Lê Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng và cập nhật các kịch bản lạm phát để làm cơ sở kiến nghị, tham mưu các biện pháp quản lý, điều tiết giá phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thông tin thêm về nội dung này tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nêu, tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” là vấn đề đã xảy ra nhiều lần trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng hưởng lương. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, bản thân thị trường và người dân đã có thích ứng để không bị tác động đến tâm lý khi thực hiện tăng lương.

Theo Thứ trưởng, đứng ở góc độ điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính chủ động, tăng lương nhưng không tăng giá. Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa qua, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập, như đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện…, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng này.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, các bộ, ngành cũng chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí, trên cơ sở tín hiệu thị trường để có điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giúp lạm phát kỳ vọng thay đổi. Bên cạnh đó là những giải pháp về thanh kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hóa, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

“Với tất cả những giải pháp đã thực hiện thì thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội đã thích ứng với việc tăng lương, không có nhiều tác động đến tâm lý, song song với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý thì sẽ không có tác động lớn đến thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/co-quan-quan-ly-lam-gi-de-tang-luong-khong-tang-gia-1100492.html