Cô sinh viên nghèo và khát vọng dạy học vùng xa

'Nếu như không có những suất học bổng từ 'Quỹ tiếp bước cho em tới trường' của tỉnh từ nhiều năm nay, em nghĩ giấc mơ vào giảng đường đại học của em còn xa lắm', cô sinh viên năm cuối ngành giáo dục tiểu học của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM – Nguyễn Thị Diễm (ảnh) bộc bạch về mình.

Lần đầu được nhận học bổng, Diễm học lớp 10 của Trường THPT Lương Thế Vinh (Hàm Thuận Nam), thời điểm đó gia đình em đang rất khó khăn, ba mẹ làm thuê nhưng phải nuôi 3 chị em cùng ăn học, trong đó có 2 chị học đại học. Có lúc tưởng chừng em phải bỏ học giữa chừng để nhường cho các chị, nhưng nhờ những suất học bổng ý nghĩa ấy đã cho em cơ hội tiếp tục đến trường. Và đến hôm nay, khi đã bước vào năm thứ 4 của đại học, em đã tiếp tục nhận được những suất học bổng yêu thương này.

Nhà Diễm ở thôn Phú Sum, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Nơi được mệnh danh là “thủ phủ” thanh long – cây trồng giúp nhiều người nơi đây làm giàu. Nhưng nhà em lại nghèo lắm, không có của cải, đất đai, vốn liếng để đầu tư như người ta. 3 chị em Diễm lần lượt vào đại học toàn nhờ vào những đồng tiền làm thuê cuốc mướn của ba, mẹ. Vì hoàn cảnh nghèo, nên Diễm xác định chỉ có việc học mới có thể giúp mình thay đổi hoàn cảnh. 3 năm cấp 3, em luôn là học sinh giỏi toàn diện, là đảng viên trẻ khi mới 18 tuổi. 3 năm sinh viên, Diễm lại “giựt” luôn danh hiệu sinh viên vượt khó và luôn là sinh viên giỏi, xuất sắc mỗi học kỳ. Nhờ vậy mà em luôn có tên trong mỗi kỳ trao học bổng “Tiếp bước cho em tới trường” của tỉnh.

Không giống như những bạn bè trang lứa, Diễm mong muốn sau khi ra trường được đến những vùng khó khăn để dạy học, đó là động lực duy nhất để em cố gắng thật nhiều cho thành tích học tập của mình. “Thời học cấp 2, cấp 3, em đã từng tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện của trường. Những chuyến đi về các xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc như Hàm Cần, Mỹ Thạnh, La Dạ, La Ngâu đã khiến em cảm nhận được sự thiệt thòi của trẻ em nơi đây, nhất là việc học hành. Điều đó đã thôi thúc em chọn ngành sư phạm và mong được về những nơi này công tác. Để cố gắng thuyết phục các em đến trường, vận động ra lớp để học tập con chữ thay đổi cuộc đời. ”, Diễm tâm sự.

Tính đến nay, em đã 6 lần nhận học bổng của chương trình này, với số tiền hơn 40 triệu đồng . Đó cũng là “chiếc phao” giúp em nối dài giấc mơ làm cô giáo dạy tiểu học sắp tới. Nhớ về cái lần đầu tiên em được vinh dự có tên trong danh sách những học sinh nghèo vượt khó của tỉnh để tham dự nhận học bổng “Tiếp bước cho em tới trường” của tỉnh, em mừng đến khóc, niềm vui và hạnh phúc đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Và em rất trân trọng những suất học bổng này. Đây không chỉ là động lực riêng em mà còn cho rất nhiều những học sinh khác tiếp tục bước trên con đường tri thức.

Được biết, mới tuần trước em cũng vừa được nhận học bổng “Tiếp bước đến trường” của tỉnh dành cho danh hiệu sinh viên xuất sắc với số tiền 12.000.000 đồng. Khoản tiền này với em thật sự cần thiết nhất là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới. Diễm đã dành số tiền này để trang trải chi phí sinh hoạt cũng như mua sắm ít đồ dùng học tập phục vụ cho năm cuối. Tranh thủ gặp em trước khi vào lại TP.HCM chuẩn bị cho năm học mới, Diễm cho biết em cảm thấy rất trách nhiệm với bản thân mình. Em sẽ cố gắng hơn nữa để đạt được những thành tích học tập tốt để không phụ lòng vào sự kỳ vọng của các cô chú trong Ban vận động “Quỹ tiếp bước cho em đến trường” của tỉnh, cũng như các mạnh thường quân đã quan tâm trao cho em những suất học bổng nghĩa tình như thế.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/co-sinh-vien-ngheo-va-khat-vong-day-hoc-vung-xa-111777.html