Cơ sở bảo dưỡng ô tô muốn làm đăng kiểm nhưng kiến nghị đơn giản hóa
Đại lý, hãng xe ủng hộ cơ chế mở để đại lý có thể làm dịch vụ đăng kiểm ô tô. Bên cạnh đó cũng mong muốn có quy định thuận lợi để triển khai.
Đại lý 3S, 4S sẵn sàng tham gia dịch vụ đăng kiểm
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã bỏ quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được phép tham gia kiểm định xe. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại Nghị định này.
Trong đó, một số điều kiện cơ bản như phải đáp ứng về cơ sở vật chất tối thiểu đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I là mặt bằng dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng một khu đất, có diện tích tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2.
Đồng thời, mức thấp nhất mà đơn vị đăng kiểm chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I là phải đáp ứng yêu cầu có xưởng kiểm định với kích thước thông xe tối thiểu (dài x rộng x cao) là 30 x 4 x 3,5 (m).
Về cơ cấu tổ chức, đơn vị đăng kiểm phải có tối thiểu các bộ phận gồm ban lãnh đạo, bộ phận văn phòng và bộ phận kiểm định.
Về nhân lực, đơn vị đăng kiểm gồm lãnh đạo đơn vị, phụ trách dây chuyền kiểm định, đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ. Trong đó, có tối thiểu 1 lãnh đạo đơn vị đủ điều kiện ký giấy chứng nhận kiểm định; tối thiểu 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách dây chuyền kiểm định; Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định.
Trước những quy định tại dự thảo nêu trên, qua trao đổi, đại diện các cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng của đại lý ô tô 3S, 4S, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tỏ ra hào hứng với khả năng có thể tham gia vào lĩnh vực đăng kiểm.
“Việc sửa đổi thông tư theo hướng như dự thảo tạo điều kiện cho các cơ sở, đại lý chính hãng có cơ hội thực hiện hoạt động đăng kiểm. Quan trọng nhất là phục vụ cho khách hàng thuận tiện hơn. Tiếp đến là tận dụng cơ sở hạ tầng của hệ thống đại lý chính hãng bởi ở đây trang thiết bị chuẩn, kỹ thuật viên cũng được đào tạo chuẩn chỉnh.
Dự thảo cũng đã phân cấp xuống cấp Sở để triển khai là rất tốt. Bởi khi phân cấp xuống thì sẽ giám sát tốt hơn, thuận tiện hơn, quản lý nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn”, đại diện VAMA cho biết quan điểm của Hiệp hội.
Kiến nghị chỉ kiểm soát hạng mục đăng kiểm
Trao đổi với PV, ông Đào Chiến Thắng, Tổng giám đốc Savico Hà Nội - một trong những nhà phân phối ô tô lớn tại khu vực phía Bắc cũng rất hồ hởi khi biết dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 tạo điều kiện cho cơ sở bảo hành bảo dưỡng của đại lý ô tô 3S, 4S có thể tham gia kiểm định xe.
Theo ông Thắng, với diện tích mặt bằng tối thiểu là 1.250m2 thì hiện nay có lẽ tất cả các đại lý chính hãng đều có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu yêu cầu xưởng kiểm định riêng (bao gồm dây chuyền kiểm định với các thiết bị) tách riêng ra với cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng có lẽ sẽ không phù hợp nếu để đại lý làm dịch vụ kiểm định.
“Hiện các máy móc, thiết bị của đại lý đều rất hiện đại. Ví dụ như tại Toyota Long Biên, các thiết bị đều của Nhật, Ý, Mỹ rất cao cấp. Để đại lý 3S, 4S có thể làm dịch vụ đăng kiểm thuận lợi nên đơn giản hóa, chỉ yêu cầu đảm bảo kiểm tra được đầy đủ tất cả các hạng mục đăng kiểm. Ví dụ một chiếc xe đáp ứng được 50 hạng mục đăng kiểm thì khách hàng đến đại lý để đăng kiểm cũng chỉ cần kiểm tra, đạt tiêu chuẩn đúng 50 hạng mục đó là được.
Các thiết bị tại cơ sở bảo dưỡng của đại lý vẫn dùng để thực hiện các hoạt động khác nên không thể tách riêng ra để làm dây chuyền kiểm định. Còn nếu quy định đại lý có riêng 1 - 2 khoang để làm dịch vụ đăng kiểm thì vẫn có thể bố trí. Ở nước ngoài cũng chỉ cần đảm bảo đủ các hạng mục được kiểm định”, ông Thắng góp ý.
Bên cạnh đó, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm được phân công ký giấy chứng nhận kiểm định phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng. Theo ông Thắng, nếu áp dụng cứng như vậy với cơ sở bảo hành bảo dưỡng của đại lý 3S, 4S cũng sẽ chưa đảm bảo sự thuân lợi.
“Nhà nước chỉ nên đưa ra tiêu chuẩn bởi đăng kiểm cũng là ngành kỹ thuật, không nhất thiết phải quy định người ký giấy phải có số “giờ bay”. Ví dụ chỉ cần đưa ra tiêu chuẩn lãnh đạo đơn vị đăng kiểm được phân công ký giấy chứng nhận kiểm định phải đáp ứng tiêu chuẩn nào, đại lý sẽ đề xuất người để kiểm tra. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn thì có thể ký giấy chứng nhận tại đại lý.
Còn nếu triển khai theo dự thảo hiện nay bắt buộc trong khoảng 3 năm đầu đại lý phải đi thuê hoặc tuyển đăng kiểm viên đã có 3 năm kinh nghiệm để ký giấy chứng nhận kiểm định nếu kinh doanh dịch vụ đăng kiểm”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.
Đại diện VAMA cũng rất mong Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn để các đại lý, nhà phân phối chính hãng quan tâm có thể sớm triển khai cơ sở đăng kiểm để phục vụ cho khách hàng.
Dưới góc độ cá nhân, đại diện một doanh nghiệp ô tô Nhật Bản tại Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm nếu để đại lý làm dịch vụ đăng kiểm chỉ cần đáp ứng đầy đủ tất cả các hạng mục đăng kiểm như trung tâm đăng kiểm, nhưng không cần phải có xưởng kiểm định riêng.
“VAMA cũng sẽ nghiên cứu thêm một số ý kiến từ đại lý để có thể góp ý dự thảo theo hướng có thể tạo điều kiện thuận lợi khi cho đại lý 3S, 4S kinh doanh dịch vụ đăng kiểm”, vị đại diện VAMA góp ý.