Cơ sở cai nghiện chật vật vì quá tải

Các cơ sở cai nghiện tập trung ở Nam Trung Bộ quá tải và thiếu nhân lực vì số người nghiện tăng nhanh

Ngày 13-8, ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Khánh Hòa, cho biết cơ sở cai nghiện ở tỉnh này đã quá tải, phải giãn tiến độ cai nghiện cho học viên.

Số người nghiện tăng gấp 5 lần

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Khánh Hòa, tổng số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn là gần 1.900 người.

Hiện nay, tỉnh này chỉ có 2 cơ sở điều trị nghiện là Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Khánh Hòa đóng tại xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh và cơ sở điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đóng tại TP Nha Trang. Trong đó, chỉ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Khánh Hòa điều trị nội trú.

Từ năm 2010-2015, cơ sở này đón 300 người đến điều trị. Nhưng chỉ trong 2 năm gần đây, mỗi năm danh sách người nghiện được đưa đến cơ sở bằng con số của 5 năm trước cộng lại. Đến tháng 8-2020, cơ sở này đang nhận hơn 1.800 hồ sơ cai nghiện trong khi công suất chỉ 200 giường. "Chúng tôi phải phân loại hồ sơ, điều trị cho học viên theo từng đợt để giảm tải" - đại diện cơ sở này nói.

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận đang được mở rộng thành 400 chỗ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế Ảnh: HỢP PHỐ

Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận đang được mở rộng thành 400 chỗ nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế Ảnh: HỢP PHỐ

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Khánh Hòa được thành lập năm 2010 với 4 khu nhưng 2 khu phải đóng cửa vì mất an toàn sau cơn bão tháng 12-2017. Hiện cơ sở này đang quá tải nghiêm trọng, mỗi học viên cai nghiện chỉ ở với diện tích chưa đến 4 m2.

Anh Nguyễn Văn T. (trú huyện Vạn Ninh), vào cơ sở điều trị bắt buộc 4 tháng qua, nói: "Khi tôi vào thì một phòng có 15 người, nay tăng thêm 4-5 người. Rất chật chội!".

Cơ sở cai nghiện ma túy quá tải khiến đội ngũ cán bộ, công nhân viên ở đây luôn "căng như dây đàn". Toàn bộ cơ sở có 38 người, quản lý gần 250 người nghiện. Ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng gói ghém lại để cai nghiện bắt buộc và tự nguyện cho các học viên theo phương án giãn bớt tiến độ cai nghiện của họ".

Liên tục mở rộng vẫn không đủ

Tình trạng càng nghiêm trọng hơn ở tỉnh Bình Thuận. Cuối tháng 7 vừa qua, khu phố 7, phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết náo loạn vì một thanh niên ngáo đá cầm kiếm tự chế múa giữa đường. Khi lực lượng chức năng đến nơi, người này còn dùng kiếm vờn nhau với công an trước khi bị khống chế. Nhiều vụ án đau lòng liên quan đến người nghiện không được kiểm soát đã xảy ra, mà nguyên nhân một phần đến từ các cơ sở cai nghiện đã quá tải.

Tỉnh Bình Thuận đang có khoảng 3.450 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong khi cả tỉnh chỉ có 1 cơ sở cai nghiện ma túy tập trung. Cơ sở này thành lập từ năm 1997, đặt tại thị trấn Phú Long (huyện Hàm Thuận Bắc) để tiếp nhận 120 học viên nghiện ma túy và mại dâm.

Năm 2016, cơ sở được mở rộng với sức chứa 200 học viên và chỉ tiếp nhận người nghiện ma túy. Năm 2019, cơ sở này một lần nữa được mở rộng để tiếp nhận 400 học viên. Dù vậy, cơ sở vẫn quá tải do số người nghiện ma túy liên tục tăng. Từ nhiều năm qua, Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp nhận những người bị bắt buộc đi cai nghiện theo quyết định của tòa án.

"Do cơ sở thiếu nên nếu gắng lắm thì chỉ tiếp nhận được 260 người. Vì vậy mà khá lâu chúng tôi không thể tiếp nhận người nghiện mới, dù có quyết định cai nghiện bắt buộc của tòa án" - ông Huỳnh Trần Trí Đức, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính - Kế toán Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận, nói.

Do cơ sở cai nghiện tại tỉnh không đủ sức chứa nên gia đình có người nghiện phải đưa con em đến các cơ sở điều trị tư nhân ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Ngọc N. (ngụ phường Phú Tài, TP Phan Thiết) có con trai út 21 tuổi, nghiện ma túy đá hơn 3 năm qua. Bà tìm đến Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Bình Thuận nhưng không đủ điều kiện tiếp nhận. "Tôi nhiều lần đưa con trai đến các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu để điều trị cắt cơn. Chi phí tốn kém nhưng sau mỗi lần điều trị lại tái nghiện" - bà N. tâm sự.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh đầu tư tiếp giai đoạn 2012-2025 mở rộng cơ sở điều trị nghiện ma túy, nâng tổng sức chứa học viên ở cơ sở này lên 700 người, cố gắng sắp xếp để có thể tiếp nhận được 800 học viên. Với số người nghiện của tỉnh vào khoảng 5.000 thì cũng chỉ đáp ứng 16%.

"Bên cạnh việc đưa người nghiện vào cơ sở điều trị bắt buộc, cần tăng cường theo dõi, giúp đỡ người nghiện tại địa phương, gia đình" - ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Thuận, nói.

60 tỉ đồng để nâng cấp

HĐND tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua đề án đầu tư cơ sở cai nghiện ma túy trị giá 60 tỉ đồng với sức chứa 500 học viên. Đây là nghị quyết mà HĐND tỉnh đề nghị ưu tiên trong giai đoạn 2021-2023, năm 2021 sẽ khởi công.

"Chúng tôi đang chờ Quốc hội thông qua các nội dung sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống ma túy để có căn cứ bổ sung nhân lực cho các cơ sở cai nghiện vì đang rất thiếu. Cũng phải tăng cường đấu tranh chống tội phạm ma túy để tránh người nghiện tăng nhanh như hiện nay" - ông Võ Bình Tân nhấn mạnh.

Kỳ Nam - Hợp Phố

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/co-so-cai-nghien-chat-vat-vi-qua-tai-20200813203136071.htm