Cơ sở chính trị, pháp lý về vấn đề 'Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật'

Quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu là một thể thống nhất, khép kín bao gồm biên giới trên đất liền, trên biển, trên không, trong lòng đất, gắn chặt giữa quốc phòng và an ninh.

Nhiệm vụ này phải đảm bảo tính liên hoàn, khép kín, gắn liền giữa an ninh, đối ngoại và tác chiến phòng thủ. Tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định Bộ đội Biên phòng có chức năng “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn có cơ sở.

Trước hết, phải có cách nhìn tổng thể và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những vấn đề liên quan đến việc quy định Bộ đội Biên phòng có chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Tại khoản 4 Điều 3 Luật An ninh quốc gia (ANQG) năm 2004 quy định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ XHCN và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Với quy định trên cho thấy, khái niệm ANQG có phạm vi rộng, đó là vấn đề chiến tranh và hòa bình của đất nước; nguy cơ đe dọa đến ANQG là những nhân tố bên trong và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, có khả năng thực tế gây ra nguy hại cho ANQG của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Do đó, ANQG và bảo vệ ANQG liên quan đến nhiều lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại, sự bền vững của thể chế chính trị, tồn vong của Nhà nước, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2014 đưa ra khái niệm: “An ninh biên giới quốc gia (BGQG) là trạng thái yên ổn và vững chắc của BGQG được thể hiện việc BGQG không bị xâm phạm, trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) ở khu vực biên giới (KVBG) được giữ vững, hoạt động xã hội và đời sống cư dân biên giới ổn định, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về biên giới”. Với cách tiếp cận trên, an ninh BGQG là một thể thống nhất, không thể tách rời mà luôn gắn liền với chủ quyền lãnh thổ và an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, do lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG chủ trì tổ chức thực hiện.

Mặt khác, Điều 1 Luật BGQG năm 2003 quy định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Như vậy, BGQG bao gồm biên giới trên đất liền, trên biển, trên không, dưới lòng đất là một thể thống nhất, không thể tách rời, có vị trí chiến lược hết sức trọng yếu, là địa bàn phòng thủ đặc biệt quan trọng của đất nước. Vì vậy, không thể tách rời công tác quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, TTATXH ở KVBG.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô tuần tra đường bờ biển ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phúc Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô tuần tra đường bờ biển ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phúc Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh minh họa: TTXVN.

Từ những viện dẫn trên, có thể khẳng định rằng: Quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG, giữ vững an ninh, TTATXH ở KVBG là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng Công an và các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân; trong đó BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và các cơ quan quản lý nhà nước và công dân.

Thứ hai, từ khi thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đến nay, các cơ quan Trung ương đã 5 lần tổ chức khảo sát, nghiên cứu và 2 lần tổng kết thực tiễn công tác biên phòng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 7 Nghị quyết (trong đó có 5 nghị quyết chuyên đề) và 1 Kết luận về chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng BĐBP; Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG đều xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các cơ quan và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ BGQG; giữ gìn an ninh, TTATXH ở KVBG và tại các cửa khẩu, cụ thể:

- Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới xác định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt trong các lực lượng bảo vệ, quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới của Tổ quốc” có chức năng “làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh BGQG, theo nhiệm vụ và quyền hạn được giao”. Để thực hiện chức năng trên Nghị quyết số 11-NQ/TW cũng xác định rõ nhiệm vụ của BĐBP là: “Trực tiếp và phối hợp với các lực lượng, các ngành có chức năng của Nhà nước đấu tranh chống bọn buôn lậu qua biên giới và các bọn tội phạm khác, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh, TTATXH trên KVBG”.

- Thông báo số 165/TB-TW ngày 22-12-2004 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP xác định: “Bảo đảm cho BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở KVBG; trong thời bình là quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự BGQG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thân thiện với các nước láng giềng; khi có chiến tranh hoặc xung đột biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến, phòng thủ được phân công trong thế trận phòng thủ chung trên địa bàn”; đồng thời, tại Thông báo này Bộ Chính trị nhấn mạnh vấn đề “Giữ ổn định hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như Nghị quyết số 11-NQ/TW” và xác định rõ: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lấn chiếm biên giới, vi phạm chủ quyền và chống các hoạt động xâm nhập, vượt biên phá hoại an ninh, trật tự của địch và các loại tội phạm, nhất là buôn lậu, vận chuyển ma túy, vũ khí, chất nổ qua biên giới”.

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG xác định: “BĐBP là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; giữ vững ổn định chính trị, TTATXH ở KVBG”, “Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tài nguyên, môi trường sinh thái, an ninh chính trị, TTATXH ở KVBG”.

- Khoản 2 Điều 31 Luật BGQG năm 2003 quy định: “BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, TTATXH ở KVBG theo quy định của pháp luật”.

- Điểm c khoản 1 Điều 22 Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định: “BĐBP là cơ quan chuyên trách bảo vệ ANQG ở KVBG trên đất liền và KVBG trên biển”.

- Khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ, quyền hạn: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BGQG; duy trì an ninh, TTATXH ở KVBG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

- Điều 5 Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng quy định: “Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu”;

- Khoản 5 Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định Công an nhân dân “phối hợp với Quân đội nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ BGQG, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH ở KVBG theo quy định pháp luật”.

Hiện nay, có 10 văn bản dưới luật, trong đó có 09 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đều quy định giao cho Bộ Quốc phòng hoặc giao trực tiếp cho Bộ đội Biên phòng “chủ trì” về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đặc biệt, Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng quy định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm “Chỉ đạo Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an tham mưu cho Bộ Quốc phòng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, biển, đảo”; đồng thời quy định các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an có trách nhiệm “phối hợp với Bộ đội Biên phòng nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới đất liền, biên giới biển và hải đảo theo quy định của pháp luật”.

Thứ ba, trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, do tính chất nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng có 28 năm thuộc Bộ Công an, hơn 33 năm thuộc Bộ Quốc phòng, dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. An ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn giữ vững và ổn định, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ Quốc phòng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở khu vực biên giới, nhất là với lực lượng thuộc Bộ Công an đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật như: Tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại… bảo đảm sự ổn định về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Chỉ tính riêng năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với lực lượng Công an bắt giữ, xử lý 11 vụ/23 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, 195 vụ/352 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.408kg ma túy các loại; xử lý vi phạm hành chính 1.133 vụ/1.753 đối tượng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng luôn tuân thủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và các lực lượng theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành biên giới, tổ chức khảo sát thực tiễn, hội thảo và xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học; về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí cao quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Đặc biệt, tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2020, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đại đa số các Đại biểu đều nhất trí với dự thảo Luật.

Xuất phát từ những vấn đề trên, tại khoản 2 Điều 12, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định: “Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với thực tiễn quản lý, bảo vệ BGQG, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu mang lại sự bình yên trên khu vực biên giới.

NGUYỄN VĂN TY, Trưởng phòng Pháp chế, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/co-so-chinh-tri-phap-ly-ve-van-de-bo-doi-bien-phong-chu-tri-phoi-hop-voi-cac-co-quan-to-chuc-duy-tri-an-ninh-trat-tu-an-toan-xa-hoi-o-khu-vuc-bien-gioi-theo-quy-dinh-cua-phap-luat-641571