Cơ sở giả mạo giấy tờ trong Thế Chiến 2 của Tình báo Anh
Câu chuyện đáng kinh ngạc về cách một nhóm những chuyên gia làm giả giấy tờ làm việc trong một căn biệt thự ở vùng Essex nước Anh cung cấp tài liệu nhận dạng giả hoàn hảo cho các điệp viên chống lại Đức Quốc xã trên khắp châu Âu thời chiến đã được tiết lộ lần đầu tiên trong một cuốn sách của nhà sử học Des Turner.
Một nhóm bao gồm các chuyên gia giả mạo chữ viết tay của Scotland Yard (Sở Cảnh sát London, Anh), các chiến binh kháng chiến và các nhà in chuyên nghiệp được thiết kế từ năm 1941 trở đi như một bộ phận không thể tách rời của SOE - Cục Chiến dịch Đặc biệt do Thủ tướng Churchill thành lập.
Làm việc tại Briggens House - một biệt thự đồng quê gần Harlow vùng Essex, nhóm chuyên gia đã tạo ra hơn 275.000 hộ chiếu giả, thẻ khẩu phần và ngoại tệ để hỗ trợ hoạt động các chiến binh ngầm ở châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần 2.
Bí mật trong căn biệt thự Briggens House
Đối với các điệp viên Anh làm việc sâu phía sau hàng ngũ kẻ thù, những lý lịch giả đầy thuyết phục và giấy tờ hoàn hảo có nghĩa là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Một hộ chiếu đáng ngờ hoặc một thị thực giả mạo của Đức được phát hiện bởi Gestapo (Mật vụ Đức Quốc xã) sẽ ngay lập tức vạch trần các nhiệm vụ bí mật của mạng lưới điệp viên Anh và tất cả sẽ nhanh chóng bị xử bắn.
Tiền giấy, thẻ khẩu phần, hộ chiếu và giấy phép lái xe đã được nhóm chuyên gia thủ công ưu tú “rèn giũa” để hỗ trợ, nuôi dưỡng và bảo vệ các điệp viên hoạt động bí mật - bao gồm cả nữ điệp viên huyền thoại Violette Szabo và các phong trào kháng chiến trên khắp châu Âu.
Thời gian gần đây, lần đầu tiên các tài liệu được giải mật và một cuốn sách mới tiết lộ câu chuyện giả mạo giấy tờ ngoạn mục này. Những hình ảnh mới được giải mật phát hiện cho thấy một hộ chiếu Hitler giả được thực hiện, trong đó liệt kê nghề nghiệp “họa sĩ”, và với một bộ “ria mép nhỏ” trở thành điểm nhấn tạo ra đặc điểm khác biệt. Hộ chiếu được đóng dấu 2 lần, trong đó 1 lần với một chữ “J” màu đỏ được Đức Quốc xã sử dụng trên hộ chiếu của người Do Thái, và một lần với tem của Chính phủ Palestine xác nhận Hitler là người nhập cư.
Tác giả Turner cho biết: “Điều đó cho thấy nhóm chuyên gia có thể làm giả bất cứ loại giấy tờ gì - và thậm chí họ còn có khiếu hài hước tuyệt vời”. Những chuyên gia làm giả giấy tờ được tập hợp lần đầu tiên vào năm 1941 với tư cách là một phần của SOE (cơ quan tình báo thời chiến của Anh), hay còn gọi là “Bộ Chiến tranh không khoan nhượng”, do Churchill tạo ra để cứu châu Âu thoát khỏi cuộc xâm lược tàn bạo của Hitler.
Nhóm đặt trụ sở làm việc tại Briggens House, gần Harlow thuộc hạt Essex miền đông nước Anh. Briggens House (cũng là một cơ sở huấn luyện chiến binh kháng chiến Ba Lan) được lãnh đạo bởi chủ nhà in người Scotland - Đại úy Morton Bisset. Ông tuyển dụng một đội ngũ gồm 50 nhân viên, thợ sửa ống nước, kỹ thuật viên, một chuyên gia về chữ viết tay của Scotland Yard và nhóm tình nguyện viên nữ từ Tổ chức Điều dưỡng Sơ cứu (FANY).
FANY là một tổ chức từ thiện toàn nữ độc lập đã đăng ký của Anh được thành lập vào năm 1907 và hoạt động trong cả công việc điều dưỡng và tình báo trong chiến tranh. Mặc dù các thành viên tổ chức mặc đồng phục theo phong cách quân đội nhưng thực ra không thuộc Quân đội Chính quy hay Quân đội Dự bị.
Trước khi qua đời, đại úy Morton Bisset có tiết lộ với nhà sử học Des Turner: “Với đội ngũ chuyên gia làm giả thủ công có tay nghề cao này, chúng tôi có thể tạo ra tất cả các loại tài liệu phục vụ cho mọi phong trào kháng chiến khác nhau. Chúng tôi đã trải qua những nỗi đau vô hạn nên luôn hết sức cố gắng để đảm bảo những giấy tờ giả mạo này đạt đến mức giống thật nhất có thể, vì biết rằng sinh mạng các điệp viên chúng ta có thể phụ thuộc rất lớn vào chúng”.
Nhóm chuyên gia giả mạo giấy tờ thường xuyên chạy đua với thời gian để sao chép các tài liệu thực một cách nhanh nhất để từ đó được đưa ra khỏi châu Âu do Đức Quốc xã chiếm đóng rồi sau đó quay trở lục địa trước khi bất kỳ ai chú ý. Nhưng nhóm chuyên gia đã xử lý tốt áp lực và từng một lần giả mạo thẻ khẩu phần mới của Pháp vào cùng ngày thẻ thật xuất hiện.
Có một người nói vào thời điểm đó: “Thẻ khẩu phần giả mạo là những bản sao tuyệt vời đến mức những ô phiếu cắt từ chúng không thể được nhận ra ngay lập tức là giả mạo”.
Thượng sĩ Arthur Gatward, một chuyên gia về chữ viết được giao nhiệm vụ giả mạo chữ ký, đã từng cứu một con tàu gián điệp khi ông đánh lừa thành công một tên phát xít có chữ ký được ông… giả mạo! Pauline Preston (đã qua đời), một thư ký tại Briggens, nhớ lại: “Chúng tôi nghe nói một sĩ quan Đức đã lên chiếc tàu và yêu cầu kiểm tra giấy tờ theo quy định thông thường. Hắn nhận nhận ra chữ ký của người bạn mình mà không hoàn toàn biết đó là… chữ ký giả mạo”.
Nhóm Briggens rất nghiêm túc trong công việc. Nhiều người đã mang những bí mật thời chiến của họ xuống mồ, giấu kín cả với chính gia đình của họ. Như trường hợp Jerzy Maciejewski, một trong những chuyên gia giả mạo gốc Ba Lan – người duy nhất tiết lộ sự thật với những người thân yêu của mình ngay trước khi qua đời năm 2004 - đã vứt bỏ một số tài liệu có giá trị lịch sử.
Giấy tờ là sinh mạng của các điệp viên
Một chuyên gia giả mạo khác tên là Dennis Collins chỉ để lại một manh mối về vai trò bí mật thời chiến quan trọng của mình. Ông giữ một báo cáo năm 1949 trình bày chi tiết về sự tồn tại của SOE, với các đoạn được tô sáng để thể hiện công việc ông đã làm.
Một đoạn văn nổi bật mô tả các giấy tờ giả mạo mà SOE tạo ra cho Violette Szabo – nữ điệp viên huyền thoại được bất tử hóa bởi nữ diễn viên điện ảnh Virginia McKenna trong bộ phim tựa “Carve Her Name With Pride: Câu chuyện của Violette Szabo” (tạm dịch: Khắc tên bà với niềm kiêu hãnh: Câu chuyện của Violette Szabo) của đạo diễn Lewis Gilbert.
Đây là bộ phim truyền hình chiến tranh của Anh năm 1958 dựa trên cuốn sách cùng tên của R.J. Minney. Nhiệm vụ đầu tiên Szabo thực hiện vào tháng 4-1944 – tức 2 tháng trước cuộc đổ bộ Normandy nổi tiếng của quân Đồng minh gọi là D-Day (Ngày D) - liên quan đến việc bà nhảy dù xuống Cherbourg trong một nhiệm vụ đơn lẻ để đánh giá số phận một mạng lưới điệp viên mật SOE đồng thời thu thập thông tin về chuỗi nhà máy sản xuất vật liệu chiến tranh cho quân Đức nhằm giúp quân Đồng minh có thể lên phương án đánh bom.
Khi thực hiện nhiệm vụ, Szabo không may bị quân Đức Quốc xã bắt 2 lần nhưng sau đó đều được thả ra nhờ vào số giấy tờ giả mạo che đậy thân phận thực sự của bà. Szabo cuối cùng cũng bị bắt sau một cuộc đấu súng với binh sĩ Đức Quốc xã và bị xử tử năm 1945. Một điệp viên khác sử dụng số giấy tờ giả mạo do Briggens House tạo ra là Edward Yeo-Thomas, mang biệt danh “Thỏ Trắng” - người nhận được George Cross (Chữ Thập George) và tránh bị quân Đức bắt giữ đến 6 lần trước khi bị phản bội ở Paris trong nhiệm vụ thứ 3.
George Cross là giải thưởng cao thứ 2 của hệ thống danh dự Anh được trao “cho các hành động của chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất hoặc cho sự can đảm rõ rệt nhất trong hoàn cảnh nguy hiểm cao độ” cho các thành viên của lực lượng vũ trang Anh và cả thường dân nước này. Briggens House cũng là nơi làm giả nhiều loại tiền nước ngoài, bao gồm zloty của Ba Lan, được sử dụng để hỗ trợ các chiến binh kháng chiến. Những tờ tiền không mấy chất lượng tràn vào Ba Lan lúc này đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng, với khoảng 43 triệu zloty vào năm 1944.
Briggens House không chỉ là nơi giả mạo giấy tờ và ngoại tệ mà còn là một cơ sở huấn luyện cho quân kháng chiến Ba Lan, tiếp nhận những thành viên ưu tú nhất từ cơ sở đào tạo sơ bộ ở ngôi làng Inverlochy của Scotland và chuẩn bị cho họ chỉ huy các chiến binh du kích hoạt động phía sau hàng ngũ kẻ thù.
Lịch sử đầy đủ của Briggens House được kể lại chi tiết trong cuốn sách của nhà sử học Des Turner tựa “SOEs Forgery and Polish Agent Training Station” (tạm dịch: Briggens: Cơ sở giả mạo giấy tờ và đào tạo điệp viên Ba Lan của SOE). Cuốn sách là thành quả 11 năm nghiên cứu của Turner.
Nhà sử học Des Turner, tác giả của cuốn sách, cho biết: “Các điệp viên thời chiến được nhận mọi loại giấy tờ giả cần thiết. Chúng phải đáng tin cậy vì nếu không sẽ không có được hiệu quả. Những điệp viên hoạt động ngầm sẽ không thể sống sót nếu không có giấy tờ hợp pháp. Và nếu không có mạng lưới điệp viên ngầm trong lòng địch, chúng ta sẽ không thể có được thông tin tình báo giá trị. Chúng ta đã lừa Hitler rất nhiều lần. Hitler đã phạm rất nhiều sai lầm vì thông tin giả của chúng ta thuyết phục Đức Quốc xã đã thắng trong cuộc chiến. Nếu không có cơ sở giả mạo giấy tờ, chúng ta có thể đã thua trong cuộc chiến”.