Cơ sở hạ tầng đường ống dầu khí trong chính sách năng lượng của Trung Quốc và lợi ích của Nga (phần I)
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng đường ống như là một phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phần I - Những đặc trưng về tài nguyên và địa chính trị trong chính sách năng lượng của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực phát triển cơ sở hạ tầng đường ống như là một phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong những điều kiện địa chính trị hiện nay, nguồn cung phần lớn hydrocarbon được vận chuyển bằng đường biển kéo theo rủi ro gia tăng. Điều này thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng quan hệ năng lượng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của chiến lược này là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí. Những biện pháp mới của chính quyền Trung Quốc về công nghệ cũng như quản trị sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí nhanh nhất để có thể đáp ứng đầy đủ nguồn nhiên liệu nhập khẩu cho nền kinh tế.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là nhân tố quan trọng nhất trong chính sách kinh tế của Trung Quốc và nước này đang dẫn đầu thế giới về đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Theo số liệu của Viện toàn cầu McKinsey, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 8,6% GDP, so với Ấn Độ là 4,9%, các nước phát triển tại châu Á- châu Đại Dương là 4,6%; Đông Âu là 4,1%, Nga là gần 3,5%.
Chính phủ Trung Quốc xác định đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những công cụ quan trọng nhất để hỗ trợ và kích thích tăng trưởng, điều chỉnh và hoàn thiện cấu trúc nền kinh tế, nâng cao mức sống và bảo vệ môi trường. Các chuyên gia phân tích của Chính phủ Trung Quốc và từ các quỹ tài chính cho biết, khoản đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ cần từ 10.000 tỷ NDT đến 17.500 tỷ NDT trong giai đoạn 2020 - 2025. Do đó, chính quyền Trung Quốc kỳ vọng việc triển khai các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả kép.
Phân bổ các khoản đầu tư trên vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác nhau ở Trung Quốc được xác định bởi những nhiệm vụ cấp thiết của nền kinh tế. Sự phát triển nhanh của nền kinh tế đòi hỏi một hệ thống hậu cần hiệu quả, có khả năng cung cấp các dịch vụ vận chuyển nhanh chóng và giá rẻ đối với lượng lớn hàng hóa và hành khách.
Một trong những thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc là sự phân bổ dân cư và khoáng sản không đồng đều trên toàn lãnh thổ. Các tỉnh ở miền đông và miền nam có kinh tế phát triển, mật độ dân số cao, nhưng hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên lại phân bổ ở các khu vực sa mạc phía tây và phía bắc đất nước. Điều này liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên than đá, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng quốc gia. Ngoài ra, việc vận chuyển than đá từ các trung tâm khai thác đến cơ sở chế biến và tiêu thụ cũng là một vấn đề không nhỏ.
Đảm bảo cho nền kinh tế nguồn điện giá rẻ và tương đối sạch là một thách thức lớn đối với chính quyền Trung Quốc. Nguồn cung năng lượng từ than đá gây ô nhiễm môi trường trong khi lượng lớn tiềm năng thủy điện của đất nước lại tập trung ở các khu vực thưa dân tại khu vực tây nam Trung Quốc. Do đó, việc truyền tải điện năng từ các nhà máy thủy điện đến các trung tâm tiêu thụ lớn đòi hỏi đầu tư vào xây dựng các đường dây truyền tải điện siêu cao áp mới.
Những đặc trưng về tài nguyên và địa chính trị trong chính sách năng lượng của Trung Quốc
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ tài nguyên năng lượng hàng đầu thế giới. Tiêu thụ năng lượng của nước này trong năm 2019 đạt 3,284 tỷ tấn nhiên liệu quy đổi (tại Mỹ là 2,213 tỷ tấn), chủ yếu do gia tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiên liệu trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Sự thiếu hụt nguồn cung tài nguyên cho nền kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu và đặt ra nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối với giới lãnh đạo nước này. Trong năm 2018, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã đáp ứng 71% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong năm 2019 đã tăng gần 10% so với năm 2018, đạt 10,1 triệu thùng/ngày. Sự tăng trưởng này xuất phát chủ yếu từ gia tăng công suất lọc dầu, gia tăng dự trữ dầu thô chiến lược. Cũng theo dự báo của IEA, dầu thô nhập khẩu sẽ đáp ứng tới 80% nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đến năm 2035. Đối với khí thiên nhiên, sự phụ thuộc nhu cầu vào nhập khẩu khí đốt năm 2018 đạt 44%, đồng thời được dự báo sẽ tăng trung bình 8%/năm đến năm 2023. Tỷ trọng nguồn khí nhập khẩu trong cơ cấu nguồn cung khí đốt của nước này sẽ tăng từ 39% (2017) lên 45% (2023).
Song song với gia tăng các nguồn cung dầu khí nhập khẩu, những rủi ro địa chính trị đối với Trung Quốc cũng đang là vấn đề lớn mà chính quyền Trung Quốc rất quan tâm. Một trong những công cụ nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị là phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và logistics. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ngày càng tăng tại Trung Quốc đang góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ của các nước Vùng Vịnh, châu Phi, Nga và các nước Trung Á. Trong đó, hoạt động cung cấp dầu thô cho Trung Quốc chủ yếu thông qua vận tải biển. Trong năm 2018, khoảng 78% lượng dầu nhập khẩu và 16% lượng khí đốt thiên nhiên nhập khẩu của Trung Quốc được vận tải qua eo biển Malacca, Biển Đông - những vùng biển có tầm quan trọng chiến lược. Thời gian gần đây còn ghi nhận tình hình Trung Đông và Bắc Phi diễn biến phức tạp. Một số cuộc xung đột vũ trang tại hai khu vực này đang gia tăng rủi ro chính trị và quân sự đối với việc cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ đang tìm cách tăng hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-TBD, kiểm soát nhiều tuyến đường biển chiến lược, bao gồm eo biển Malacca và Biển Đông. Do đó, việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp tài nguyên năng lượng và giảm sự phụ thuộc nhập khẩu năng lượng từ các nước Trung Đông và Bắc Phi là đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Đây là yếu tố cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc được đánh giá là đối thủ của Mỹ trong các chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm các vấn đề về năng lượng. Cho đến một thời điểm nhất định, mâu thuẫn Mỹ - Trung về an ninh năng lượng đã nảy sinh. Trong tương lai, sự toàn cầu hóa chính sách năng lượng của Trung Quốc cộng với chính sách gia tăng hiện diện tại khu vực Đông Á của Mỹ sẽ khiến mâu thuẫn này trở nên căng thẳng. Khả năng xung đột ở Biển Đông và trên các tuyến đường vận tải dầu mỏ đến Trung Quốc sẽ gia tăng.
Rõ ràng, có những rủi ro đáng kể đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc khi 50% nguồn cung dầu cho nước này đến từ Trung Đông và đi qua eo biển Malacca. Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô và khí đốt gia tăng từ Nga và các quốc gia láng giềng đến Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, góp phần đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng của nước này. Một yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn cung năng lượng là sáng kiến chiến lược “Vành đai, Con đường” Tập Cận Bình đề cập vào năm 2013. Sáng kiến này kêu gọi hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế ủng hộ hoặc tham gia trên cơ sở các nguyên tắc phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng, toàn cầu hóa thương mại, thúc đẩy sản xuất và đa dạng hóa nền kinh tế. Theo quan điểm của Nga và Trung Quốc thì mục đích chính của Trung Quốc trong triển khai sáng kiến chiến lược “Vành đai, Con đường” là cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối giữa thị trường châu Âu và châu Á.
Trong lĩnh vực cung cấp năng lượng, những “con đường tơ lụa” mới cho phép Trung Quốc thực hiện hiệu quả chiến lược an ninh năng lượng của mình, bao gồm mở rộng các nguồn nhập khẩu dầu thô và khí đốt cũng như xây dựng các tuyến đường vận tải năng lượng thay thế. Các “con đường tơ lụa” đi qua lãnh thổ Trung Á sẽ là một phần quan trọng của mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt đang phát triển nhanh chóng ở Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan. Các công ty dầu khí Trung Quốc đã tích cực đầu tư ở khu vực Trung Á trước khi sáng kiến “Vành đai, Con đường” được đưa ra. Mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp ở Trung Á và Nga cho phép Trung Quốc giảm sự phụ thuộc nhập khẩu dầu thô và LNG từ các nước Vùng Vịnh và châu Phi, vốn phải đi qua eo biển Malacca.