Cơ sở hạt nhân của Anh xuống cấp trầm trọng, nguy cơ rò rỉ
Hầm chứa chất thải phóng xạ khổng lồ tại nhà máy hạt nhân Sellafield rò rỉ, gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng đối với công chúng và môi trường.
The Guardian đưa tin, việc một hầm chứa chất thải phóng xạ độc hại bị hư hại tại nhà máy hạt nhân Sellafield dẫn đến vụ rò rỉ, “gây ra những hậu quả nghiêm trọng” .
Theo tờ báo này, vụ rò rỉ tại nhà máy hạt nhân Sellafield có khả năng kéo dài cho đến năm 2050. Sự cố này có nguy cơ làm ô nhiễm nước ngầm nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nhà máy hạt nhân Sellafield là cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu, gặp loạt vấn đề an toàn, bao gồm cả amiăng và nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là các vết nứt trong kho chứa đã gây ra tranh cãi ngoại giao với các quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có Mỹ, Na Uy và Ireland.
Tờ The Guardian cho biết thêm, các nhà khoa học đang cố gắng đánh giá toàn bộ rủi ro của vụ rò rỉ. Vào tháng 6, Văn phòng Quy định Hạt nhân (ORR) của Vương quốc Anh cho biết trong một báo cáo rằng rủi ro do rò rỉ ở nhà máy hạt nhân Sellafield “thấp, ở mức có thể chấp nhận”. Tuy nhiên, cơ quan quản lý hạt nhân vẫn lo ngại về tác động toàn diện của vụ rò rỉ và ở mức độ nào, nếu có, nó có thể ảnh hưởng đến nước ngầm.
The Guardian dẫn nguồn chuyên gia trong ủy ban giám sát nhà máy hạt nhân Sellafield và các địa điểm hạt nhân khác nói: “Thật khó để biết xác định tính minh bạch của thông tin. Sự cố chắc chắn là nguy hiểm”.
Một báo cáo của EU năm 2001 cảnh báo một vụ tai nạn ở Sellafield có thể nguy hiểm hơn thảm họa Chernobyl năm 1986, khiến khoảng 5 triệu người ở châu Âu bị nhiễm phóng xạ. Sellafield chứa nhiều chất phóng xạ hơn đáng kể so với cơ sở Chernobyl vào thời điểm đó.
Các thông tin về sự xuống cấp tại nhà máy Sellafield đã làm dấy lên mối lo ngại của Mỹ về các tiêu chuẩn an toàn ở địa điểm này. Điều này cũng dẫn đến những quan ngại từ Chính phủ của cả Ireland và Na Uy, trong đó Oslo lo ngại về khả năng các hạt phóng xạ được gió thổi qua biển Bắc, tới lãnh thổ của nước này.
Các vấn đề sức khỏe do tiếp xúc với bức xạ hạt nhân phụ thuộc vào liều lượng, với các triệu chứng buồn nôn, đến bệnh tim mạch và ung thư. Trong hầu hết các trường hợp, phơi nhiễm cực kỳ cao có thể gây tử vong.
Nhà máy hạt nhân Sellafield rộng 6 km2, nằm ở Cumbria, phía tây bắc nước Anh, lưu trữ chất thải hạt nhân từ các chương trình vũ khí hạt nhân và sản xuất điện. Nhà máy này được sử dụng để tạo ra năng lượng hạt nhân từ năm 1956 đến năm 2003.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/co-so-hat-nhan-cua-anh-xuong-cap-tram-trong-nguy-co-ro-ri-ar838765.html