Cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí đứng trước bờ vực phá sản

Các loại dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim, quán karaoke, quán game 'đắp chiếu' kéo dài trong khi vẫn phải lo trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ người lao động... khiến chủ các cơ sở lao đao.

Chủ quán Star Club cho người sửa chữa lại quán để chờ ngày hoạt động trở lại

Chủ quán Star Club cho người sửa chữa lại quán để chờ ngày hoạt động trở lại

Không giống những dịch vụ thiết yếu khác, đến nay nhiều loại dịch vụ giải trí như rạp chiếu phim, quán karaoke, quán game... vẫn chưa được hoạt động trở lại. Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ này đứng ngồi không yên. Nhiều cơ sở buộc phải chuyển nhượng hoặc bên bờ phá sản.

Cơ sở "đắp chiếu" kéo dài

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí. Mỗi khi dịch Covid-19 xuất hiện, đây là loại hình dịch vụ phải dừng hoạt động đầu tiên và được mở cửa sau cùng. Phải đóng cửa liên tục trong nhiều tháng nay khiến chủ cơ sở lo lắng.

Rạp chiếu phim Lotte trên đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Chủ cơ sở không thể chuyển hướng kinh doanh khác do số tiền đã đầu tư quá lớn mà chưa thu hồi được vốn, còn cố gắng cầm cự thì tiền bù lỗ liên tục tăng. Chủ cơ sở này đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt 4phòng chiếu phim tại tầng 4 của tòa nhà Đỗ Gia.

Năm 2020, rạp chiếu phim này chỉ mở cửa được vài tháng, còn 6 tháng đầu năm nay gần như phải đóng cửa hoàn toàn. Trong thời gian được mở cửa, trung bình mỗi ngày rạp chiếu phim đón từ 100 - 150 lượt khách. Những tháng qua, dù không được hoạt động nhưng hằng ngày, các phòng chiếu phim vẫn phải vận hành từ 3 - 4 tiếng để tránh máy móc bị hỏng. Trong khi không có doanh thu, hằng tháng đơn vị vẫn phải chi trả hơn 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chi phí hỗ trợ người lao động, tiền điện, nước... "Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi chưa tính đến phương án chuyển hướng kinh doanh. Hơn nữa, thời điểm này cơ sở cũng không biết kinh doanh lĩnh vực gì để thuận lợi hơn. Chúng tôi đành cầm cự, cố gắng chờ đợi đến ngày được phép hoạt động trở lại thì sẽ tăng tốc", anh Lê Thế Thành, quản lý rạp chiếu phim Lotte nói.

Cuối năm 2019, anh Định Đăng Huấn cùng một số người bạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở quán Star Club trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) phục vụ khách đến chơi bi a. "Suốt 6 tháng qua, không những không có doanh thu, tôi còn phải bù lỗ hơn 20 triệu đồng/tháng. Thời gian đóng cửa quá lâu khiến chúng tôi khó cầm cự thêm. Quán chỉ có 6 bàn bi a, lượng khách đến thường không đông. Dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế, chúng tôi rất mong sẽ sớm được hoạt động trở lại và cam kết sẽ bảo đảm phòng chống dịch theo quy định", anh Huấn cho biết.

Giống như nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí khác, quán karaoke Dragon trên đường Bà Triệu (TP Hải Dương) cũng trong tình cảnh cùng cực. Từ năm 2020 đến nay, tổng thời gian cơ sở đóng cửa đã lên tới 15 tháng. "Đề nghị các ngành chức năng cho người kinh doanh dịch vụ được tiêm vaccine phòng Covid-19. Chúng tôi sẵn sàng bỏ chi phí để tiêm phòng", chị Nguyễn Thị Thu Hà, quản lý quán karaoke Dragon đề nghị.

Phải đóng cửa kéo dài khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí điêu đứng

Phải đóng cửa kéo dài khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí điêu đứng

Khó khăn chồng chất

Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi 4 đợt dịch Covid-19, quán game của anh Lê Văn Quyền ở khu 5, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) buộc phải thanh lý, tìm hướng kinh doanh khác vì không thể cầm cự. Anh Quyền đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở quán và hoạt động được 6 năm. Trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch, trung bình mỗi tháng quán game này có doanh thu từ 40 - 50 triệu đồng. "Thời gian đóng cửa kéo dài khiến máy móc bị hỏng, hơn nữa chi phí thuê mặt bằng lớn. Dù đã rất cố gắng nhưng đến nay tôi đã kiệt quệ, phải bù lỗ nửa tỷ đồng. Không thể cầm cự thêm, đầu tháng 5 vừa qua tôi buộc phải thanh lý quán để gỡ lại một phần vốn và đang tính chuyển hướng làm ăn nhưng chưa biết sẽ làm gì", anh Quyền buồn rầu nói.

Không chỉ các cơ sở kinh doanh của tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề, đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí cũng lao đao. Hơn 1 năm nay, Nhà Thiếu nhi tỉnh hoạt động cầm chừng. Những năm trước, trung bình mỗi ngày đơn vị đón khoảng 3.000 lượt khách nhưng khi dịch Covid-19 xuất hiện, lượng người đến giảm mạnh. Bà Phạm Thị Thanh Hải, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh cho biết: "Đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn trong 2 năm trở lại đây. Năm 2020, nguồn doanh thu giảm khoảng 50% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm nay, đơn vị gần như không có nguồn thu, người lao động phải nghỉ việc không lương. Một số vị trí chỉ đi làm 1/3 thời gian và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Tất cả các khoản chi phí đã phải cắt giảm. Trong khi ngân sách hỗ trợ hạn hẹp, nguồn thu không có, chúng tôi đang rất lo lắng về hoạt động của đơn vị trong thời gian tới".

Thực tế trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí rất lớn. Việc đóng cửa kéo dài khiến các cơ sở kinh doanh rơi vào tình thế khốn cùng, có nguy cơ phá sản. Hiện nay, người kinh doanh loại hình dịch vụ này mong muốn tỉnh phân loại chi tiết hơn và sớm được mở cửa trở lại.

HOA LAN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/co-so-kinh-doanh-dich-vu-giai-tri-dung-truoc-bo-vuc-pha-san-171913