Cơ sở lao động có yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý còn thấp
Môi trường lao động vẫn có rất nhiều yếu tố có hại vượt tiêu chuẩn cho phép. Vẫn còn hàng trăm trường hợp bị bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện, mới nhất là vụ việc hàng chục người lao động bị bệnh bụi phổi silic.
PGS.TS Lương Mai Anh - Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đưa ra những thông tin trên tại hội nghị xây dựng kế hoạch năm 2024 chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp do Cục Quản lý môi trường y tế tổ chức ở TP Hồ Chí Minh hôm nay - 22/11.
Theo Cục trưởng Lương Mai Anh, qua báo cáo đánh giá thực hiện Chỉ thị 29 của Ban bí thư và Quyết định 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030, trong năm 2023 cho thấy công tác quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như điều kiện lao động đã từng bước được cải thiện, số mẫu đo vượt tiêu chuẩn cho phép có xu hướng giảm, số người được khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp tăng.
Bệnh phổi silic có số người lao động mắc bệnh nghề nghiệp cao nhất với gần 75%
Làm rõ thêm thông tin, ThS.BS Trần Anh Thành - Trưởng phòng Quản lý sức khỏe lao động, Cục Quản lý Môi trường y tế cho biết cả nước hiện có 107 phòng khám bệnh nghề nghiệp; khoảng 30 tỉnh, thành phố đã thực hiện khám phát hiện được 31/35 bệnh nghề nghiệp. Số người lao động được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp hằng năm tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua.
Cụ thể, nếu như năm 2013 có 110.000 người được khám, phát hiện 21 loại bệnh nghề nghiệp thì đến năm 2022, đã có 465.000 người được khám, phát hiện 33 loại bệnh nghề nghiệp. Trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp và có 500 trường hợp được giám định nghề nghiệp.
"Tích lũy đến hết năm 2022, có 30.248 người lao động được hưởng bảo hiểm, trong đó 3 bênh nghề nghiệp có số mắc cao nhất gồm: bệnh phổi silic với 74,4%; bệnh điếc nghề nghiệp 17,3% và bệnh da nghề nghiệp với 2,1%"- ThS.BS Trần Anh Thành thông tin.
Theo PGS.TS Lương Mai Anh việc triển khai Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030 tại các địa phương vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hiện nay. Nhiều đơn vị công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động nhưng khi kiểm tra lại chưa đáp ứng theo hồ sơ tự công bố. Khi thực hiện quan trắc không đánh giá quan trắc được đầy đủ các yếu tố có hại trong môi trường lao động.
"Vụ việc hàng chục người lao động bị bệnh bụi phổi silic được phát hiện tại các cơ sở khai thác sản xuất bột đá do người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định về quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, cung cấp khẩu trang không phù hợp và đã có những trường hợp tử vong do bị bệnh bụi phổi silic"- PGS.TS Lương Mai Anh dẫn chứng thực tiễn.
Năng lực khám phát hiện bệnh nghề nghiệp còn hạn chế đặc biệt đối với các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp, ung thư nghề nghiệp. Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp chưa báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động khác trong cùng một môi trường tiếp xúc. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động còn gặp nhiều khó khăn...
Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp
Phân tích nguyên nhân những tồn tại nêu trên, Cục trưởng Lương Mai Anh nêu các yếu tố:
Thứ nhất, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động chưa quan tâm đúng mức việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;
Thứ hai, nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý về vệ sinh lao động ở các địa phương còn hạn chế, khó khăn về nhân lực chuyên môn kỹ thuật, mua sắm đấu thầu;
Thứ ba, phối hợp liên ngành trong công tác thanh kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu. Thanh tra mới chỉ tập trung vào vấn đề an toàn lao động.
Để có thể tăng cường hơn nữa công tác quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, trong thời gian tới, Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, Sở Y tế, CDC các tỉnh, thành phố cần tăng cường triển khai các hoạt động để đạt các mục tiêu và chỉ số tại Quyết định số 659/QĐ-TT.
Rà soát đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều tra bệnh nghề nghiệp cho CDC các tỉnh/thành phố, tăng cường phối hợp giữa hệ thống khám phát hiện và giám định bệnh nghề nghiệp. Cùng đó, củng cố và nâng cao năng lực mạng lưới người làm công tác y tế tại các cơ sở lao động; Xây dựng kế hoạch triển khai nội dung về y tế cơ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TƯ về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.
Các đơn vị cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động về việc thực hiện các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Đồng thời tăng cường nghiên cứu đánh giá thực trạng điều kiện lao động và sức khỏe người lao động trong tình hình mới theo đặc thù của từng địa phương, quan tâm tới điều kiện lao động của người lao động trong ngành y tế, lao động làng nghề, lao động không có hợp đồng lao động.
Xây dựng các mô hình phòng chống bệnh không lây nhiễm tại nơi làm việc, tăng cường năng lực đáp ứng phòng chống dịch tại cơ sở lao động đặc biệt đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phối hợp trong công tác thanh tra...
Cũng tại hội nghị, đại diện các Viện chuyên ngành và một số địa phương đã chia sẻ, thảo luận, trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo liên quan đến chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Cùng đó, Cục Quản lý Môi trường y tế cũng thông tin về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH và Thông tư 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2022 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.
Theo Ban Tổ chức, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2016/TT-BYT và Thông tư 28/2016/TT-BYT sẽ góp phần giúp cho người lao động được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các bệnh nghề nghiệp và thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng tốt nhiệm vụ về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong phòng chống bệnh nghề nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 29 của Ban Bí thư.