Cơ sở pháp lý quan trọng

Ngày 11-11, với 94,61% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Luật BPVN gồm 6 chương, 36 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Luật BPVN ra đời không chỉ được các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các lực lượng quan tâm, ủng hộ, mà còn đáp ứng sự mong đợi của cử tri cả nước. Bởi, biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.

Tầm quan trọng của Luật BPVN đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học xác định là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất, là “kim chỉ nam” cho các hoạt động ở khu vực biên giới và khu vực biên phòng.

Thực tế, qua các phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Luật BPVN đã khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới và hợp tác quốc tế.

Đặc biệt, đạo luật tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách Nhà nước về nhiệm vụ biên phòng và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới.

Đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, Luật Biên phòng sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của dân cư khu vực biên giới. Đó là việc sắp xếp, quy hoạch khu vực dân cư, việc xây dựng và đầu tư các nguồn lực cho khu vực biên giới. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách cũng như các địa phương ở biên giới có điều kiện, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đây là ý nghĩa rất lớn cả về chính trị, kinh tế, xã hội.

Trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, BĐBP luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, chủ trì trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng ở khu vực biên giới, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữa vững an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Có thể khẳng định, Luật BPVN khi có hiệu lực thi hành sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới; xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-so-phap-ly-quan-trong-post435068.html