Cơ sở pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả giám sát quyền lực
Sau hơn 6 năm chờ đợi, HĐND các địa phương đón nhận và đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND hết sức cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát quyền lực. Đặc biệt, quy định tại Điều 28 thể hiện tính công khai, minh bạch, tinh thần phát huy dân chủ, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân; quy định tại Điều 29 là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động nói chung, giám sát nói riêng.
Thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn sát sao
Kể từ năm 2016, khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có hiệu lực thi hành, HĐND các cấp có công cụ để thực thi quyền giám sát, hoạt động giám sát ngày càng được đổi mới, phát huy hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên hoạt động giám sát của HĐND vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trình tự, thủ tục giám sát, việc thành lập Đoàn giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh còn lúng túng; hoạt động giải trình, chất vấn trong các phiên họp của Thường trực HĐND trên thực tế còn hạn chế; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu còn ít hoặc chưa tổ chức được; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc chưa thực sự nghiêm túc…
Vì vậy, theo đón nhận chung của các địa phương, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND là hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây thực sự là một “công cụ” hữu hiệu nâng cao hiệu quả giám sát quyền lực; cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hình thành đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát.
Đơn cử như hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND, một chủ thể giám sát mới đã được hướng dẫn cụ thể, để Tổ đại biểu như một “cánh tay nối dài” của HĐND trong triển khai hoạt động giám sát. Để giúp Tổ đại biểu thực hiện quyền, Nghị quyết quy định Thường trực HĐND thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xác nhận tính pháp lý của chữ ký đó. Đối với hoạt động chất vấn, Nghị quyết quy định rõ chất vấn của HĐND không phải là một vấn đề như cách HĐND các địa phương vẫn thực hiện lâu nay mà là nhóm vấn đề với 4 tiêu chí chọn lựa: vấn đề bức xúc; có dấu hiệu vi phạm; đã được trả lời nhưng đại biểu HĐND không đồng ý và vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục…
Đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tế
Xuất phát từ thực tế có không ít ý kiến, kiến nghị rất xác đáng của các đoàn giám sát HĐND không được các cơ quan tiếp thu nghiêm túc, không triển khai thực hiện đầy đủ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, gây mất lòng tin của cử tri, nhân dân vào cơ quan dân cử. Vì vậy, bảo đảm chế tài để thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau giám sát là vấn đề các địa phương trăn trở, kiến nghị lâu nay.
Đáp ứng yêu cầu bức thiết từ thực tế, Điều 28 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát đón nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa phương. Theo đánh giá, quy định sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước. Quy định này thể hiện tính công khai, minh bạch, ý thức tôn trọng nhân dân, tinh thần phát huy dân chủ, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, làm nền tảng cho các quyết sách, góp phần củng cố lòng tin của người dân với Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo đánh giá của các địa phương, quy định này buộc các đoàn giám sát phải nâng cao chất lượng báo cáo giám sát. Bởi lẽ, nếu chọn nội dung giám sát không phù hợp; giám sát nhưng không phát hiện ra vấn đề, không kiến nghị được những nội dung cụ thể, hợp lý thì chủ thể giám sát khó báo cáo kết quả với HĐND, càng khó để công khai kết luận của mình. Thực hiện việc công khai này sẽ giúp không chỉ các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND mà cả cử tri và nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện kiến nghị, tạo áp lực xã hội lên các cơ quan bị giám sát để thực hiện nghiêm túc các kiến nghị giám sát.
Thiết lập các ứng dụng đơn giản, thân thiện
Một nội dung cũng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các địa phương là Điều 29 Nghị quyết quy định “Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan”. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động của các cơ quan HĐND là nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp bách, giải pháp hữu hiệu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Theo đánh giá, quy định này rất cần thiết, đúng và trúng; là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND các cấp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa phục vụ hoạt động nói chung và hoạt động giám sát nói riêng.
Cũng theo chia sẻ của các địa phương, để thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ hoạt động của HĐND, yêu cầu thực tế đặt ra là cần sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa phương; có văn bản hướng dẫn quy định việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Thường trực HĐND các cấp, với các cơ quan liên quan ở tỉnh và kết nối với dữ liệu giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Trong xây dựng ứng dụng phục vụ hoạt động của HĐND cũng cần quan tâm thiết lập các ứng dụng đơn giản, thân thiện với cử tri để tăng cường sự kết nối giữa cơ quan dân cử với nhân dân nhằm thu thập ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng từ phía người dân…
Đông đảo cử tri và nhân dân tin tưởng và kỳ vọng, với việc có thêm một “công cụ” để HĐND giám sát quyền lực và tự nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 sẽ là nhân tố quan trọng không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp, góp phần xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm khiết, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".