Cơ sở sản xuất cua Cà Mau 'cửa đóng then cài' bỗng chốc 'lột xác'
Sau cuộc gọi với NAFI vùng 5, một cơ sở sản xuất luôn trong tình trạng 'cửa đóng then cài' bỗng dưng mở cửa niềm nở đón khách, chủ động trình mọi hồ sơ đã chuẩn bị.
Kỳ 1: Vén màn mánh khóe xảo quyệt sau chuyện thương lái ép giá ở thủ phủ cua Cà Mau
Kỳ 2: Dễ thuê, khó xin code - 'Luật ngầm' vây giới buôn cua Cà Mau
Kỳ 3: ‘Mò kim đáy bể’ tìm cơ sở sản xuất có code xuất khẩu cua Cà Mau
Video: Mánh khóe đưa cua Cà Mau 'thần tốc' qua biên giới
Để làm rõ quy trình sản xuất xuất khẩu cua, cũng như công tác quản lý của đơn vị chức năng, PV VTC News đã liên hệ với NAFI vùng 5 (thuộc Chi cục Quản lý Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nam Bộ - NAFI Nam Bộ).
Ông Chu Đức Xuân - Trưởng phòng Chất lượng NAFI vùng 5 - xác nhận, các lô hàng cua khi xuất khẩu đều phải có chứng thư.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, tùy vào việc cơ sở đó thuộc ưu tiên mức nào mà tần suất thẩm tra liên tục hay giãn ra. Với những cơ sở có độ tin cậy cao, việc cấp chứng thư sẽ được “nới lỏng” hơn mà không cần kiểm tra gắt gao. Sản xuất ở cơ sở nào thì cơ sở đó đăng ký để cấp chứng thư.
Cụ thể, tần suất lấy mẫu thẩm tra tối thiểu được quy định: Chế độ đặc biệt: 2 tháng/lần; Hạng 1: 1 tháng/lần; Hạng 2: 1 tháng/2 lần.
“Gia Thành thuộc hạng 2, là thẩm tra 1 tháng 2 lần, hàng nhiều thì cứ 5 lô hàng chuẩn bị xuất đi thì thẩm tra 1 lô. Mà thật ra cơ sở sản xuất cũng chỉ là cơ sở bao gói, bao gói cua sống đơn giản là đúng rồi.
Xưởng chỉ có công đoạn bao gói nên thông thường làm buổi đêm, trong mấy tiếng đồng hồ, cho vào thùng thì nhanh thôi mà. Vào xưởng để đóng gói, chứ thật ra cua người ta buộc sẵn khi bắt rồi mà…”, ông Xuân nói.
Một ngày sau khi liên hệ với NAFI vùng 5, chúng tôi trở lại cơ sở sản xuất của Chi nhánh Công ty Gia Thành tại TP Cà Mau. Đáng chú ý, cơ sở này không còn tình trạng “cửa đóng then cài” như trước mà đã mở toang cửa chờ, sẵn sàng “đón khách”.
Vào vai là người có nhu cầu mua cua lẻ về ăn, chúng tôi được một người phụ nữ tầm 50 tuổi đon đả tiếp chuyện mà không thể hiện bất cứ sự hoài nghi nào với người lạ mặt.
Thậm chí, bà ta còn dẫn PV đi giới thiệu các khu vực làm việc và mô tả chi tiết từng công đoạn đóng gói cua thành phẩm mặc dù luôn miệng nói: “Tôi chỉ coi nhà không biết gì, việc đó có công nhân họ làm, đông lắm!”.
Hơn 10 phút sau, khi biết cơ sở chỉ đóng cua xuất khẩu, không bán lẻ nên chúng tôi ngỏ ý ra về thì bất ngờ, người phụ nữ bày sẵn trà nước mời chúng tôi dùng, rồi trò chuyện rôm rả hơn.
“Đây làm cua xuất khẩu nên nghiêm ngặt lắm. Trước đến nay cua được mua từ vuông của người dân, mà mấy vuông này đều phải có hợp đồng đàng hoàng mới mua, chứ không phải tầm bậy đâu cũng mua đâu nha”, người phụ nữ nói.
Để minh chứng cho điều mình nói, bà ta mang mấy tập hồ sơ dày cộm ra chỉ cho chúng tôi xem. Trong đó, có đủ loại giấy tờ liên quan đến giấy phép kinh doanh, mã code, chứng thư và hợp đồng mua cua từ vuông với các đơn vị hợp tác xã, hộ gia đình…
Những việc này có cần thiết không, khi chúng tôi chỉ đến với vai trò người dân đi mua vài ký cua lẻ để ăn? Một cơ sở “cửa đóng then cài” thường lệ nay mở toang “đón khách”?
Người phụ nữ tự giới thiệu chỉ biết trông coi nhà, không biết gì khác lại nói vanh vách về quy trình thu mua, sản xuất, đóng gói, vận chuyển cua từ Cà Mau qua biên giới. Và, một người lạ, đến mua vài ký cua lẻ về ăn lại được cơ sở xuất hàng tấn cua mỗi ngày “trình” hẳn những tệp hồ sơ hợp lệ về xuất khẩu cua…
Khi chúng tôi hỏi việc cua sẽ được kiểm tra, đóng gói thời điểm nào trong ngày, người phụ nữ này khẳng định chắc nịch: “Tầm 9h tối là đóng hàng ở đây, ngày nào cũng đóng. Đóng xong là chở đi sân bay luôn”.
Thế nhưng, khi chúng tôi cho biết việc đêm qua đã ghé cơ sở, đúng khung giờ 21 - 23h, song không thấy cơ sở có bất kỳ hoạt động nào, lúc này người này mới ú ớ trả lời: “À đêm qua không làm, do không xin được chứng từ”.
Có quá nhiều vấn đề bất thường diễn ra tại Chi nhánh Công ty Gia Thành sau khi chúng tôi liên hệ với NAFI vùng 5.
Mang những thông tin này, chúng tôi tiếp tục hỏi chuyện nhiều người dân sống xung quanh. Không ngoài dự đoán, màn “tiếp đón” bất thường của người phụ nữ 50 tuổi nói trên dường như đã nằm trong kịch bản được soạn sẵn.
“Hồi tối này nè (19/5), chừng 7h, mà chưa tới 7h nữa, chạng vạng à. Tui thấy cái xe tải chạy vô, bỏ 3 - 4 cái thùng xốp trống đục lỗ, rồi có ông kia lấy xe rùa đẩy vô. Có nhiêu thôi đó, hồi giờ đóng cửa thin thít có làm gì đâu. Tui mới nghĩ trong bụng, chắc nay người ta mở cửa làm lại.
Vì đóng cửa không làm gì hết, nên ông N. làm đá hoa cương mới mướn. Khi nào ổng làm đá hoa cương mới mở cái cổng đó, chứ không thì đóng cửa cả ngày đêm có khi nào hé đâu mà sản xuất với xuất khẩu. Nhà tui ở đây hồi giờ, có bao giờ thấy xe hàng về đó đâu. Bên trong làm gì có nhân viên mà sản xuất. Bả nói xạo hết đó”, một người dân sống cạnh Chi nhánh Công ty Gia Thành nói.
Một người khác lại nói: “Tui bán hàng trước đó luôn nè, ngày nào cũng ngồi bán chình ình đó. Thì treo bảng trá hình chứ còn gì nữa, ngày như đêm, không khi nào mở cửa. Thì phải trá hình, phải có cơ sở mới kiếm được người ta làm hợp đồng, chứ cái cơ sở cũng không có thì ai mà dám ký hợp đồng”.
Những thông tin này trùng khớp với thông tin một lãnh đạo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau từng thừa nhận với chúng tôi trước đó là cơ sở của Chi nhánh Công ty Gia Thành chỉ “treo bảng để không vậy, có hoạt động gì đâu”.
Như vậy, hoạt động của Chi nhánh Công ty Gia Thành đã xuất hiện 2 luồng thông tin trái chiều.
Một là, thông tin cơ sở đóng gói cua xuất khẩu này hoạt động bình thường, hàng vẫn về cơ sở để xuất khẩu mỗi ngày như lời của người phụ nữ trông coi nhà mà chúng tôi đề cập, cũng như của ông Chu Đức Xuân (lãnh đạo NAFI 5).
Hai là, cơ sở chỉ hoạt động trá hình, chỉ gắn biển hiệu để hợp thức hóa thủ tục giấy tờ xuất hàng đi như lời của một lãnh đạo tỉnh và thông tin PV xác minh từ người dân địa phương.
Vậy cuối cùng, đâu là mới là thông tin chính xác nhất? Có hay không việc Chi nhánh Công ty Gia Thành đã được thông báo trước để “đón tiếp” PV gọn gàng và “tự nhiên” nhất?