Cơ sở vững chắc để BĐBP hoàn thành tốt vị trí, vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đảm bảo BĐBP hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót và Đồn Biên phòng Thiên Cầm, BĐBP Hà Tĩnh tham gia dọn vệ sinh tại Trường Mầm non xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thế Mạnh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót và Đồn Biên phòng Thiên Cầm, BĐBP Hà Tĩnh tham gia dọn vệ sinh tại Trường Mầm non xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thế Mạnh

Thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia xác định mục tiêu: “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Nghị quyết cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia đồng bộ cả lực lượng chuyên trách, nòng cốt và toàn dân rộng khắp; trọng tâm là xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Tập trung đầu tư phương tiện, trang bị tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, công tác của BĐBP theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”.

Nhằm thể chế hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 33, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 11-11-2020 đã dành Chương IV với Điều 25 và Điều 26 để tập trung vào các quy định bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, tài sản cho nhiệm vụ biên phòng. Tại Điều 25, quy định bảo đảm nguồn nhân lực nêu rõ: Công dân Việt Nam là nguồn nhân lực xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và kiến thức cần thiết khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Ưu tiên, khuyến khích người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, người có tài năng phục vụ lâu dài trong BĐBP.

Và Điều 26 quy định bảo đảm nguồn lực tài chính, tài sản xác định: Nhà nước bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng. Nhà nước bảo đảm tài sản cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan; ưu tiên bảo đảm tài sản cho các cơ quan, đơn vị ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới.

Phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của BĐBP

Việc Quốc hội thông qua Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển... Đồng thời, xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Vị trí, chức năng của BĐBP được quy định tại khoản 1, Điều 13, Luật BPVN nêu rõ: “BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”. Quy định này thể hiện rõ tính chất đặc thù hoạt động của BĐBP trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phù hợp với cách thể hiện của Luật Dân quân tự vệ, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam... Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là một thể thống nhất, bao gồm biên giới trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tại khu vực biên giới, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ. Luật BPVN quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Theo đó, BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu. Tại Điều 10, Luật BPVN đã quy định chi tiết về phạm vi phối hợp, nguyên tắc phối hợp và nội dung phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP: Căn cứ vào vị trí và chức năng của BĐBP, Điều 14, Luật BPVN xác định 12 nhiệm vụ cho BĐBP. Đây vừa có sự kế thừa những nội dung của Pháp lệnh BĐBP, vừa bổ sung thêm một số quy định mới cho phù hợp với thực tiễn và để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP với những lực lượng khác. Ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động của BĐBP có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ chủ trì bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, thẩm quyền nói riêng, BĐBP phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội với nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Có thể khẳng định, sự ra đời của Luật BPVN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia vững mạnh, xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Nguyên Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-so-vung-chac-de-bdbp-hoan-thanh-tot-vi-tri-vai-tro-nong-cot-chuyen-trach-trong-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post435434.html