Cơ sở y tế không cấp cứu khiến người bệnh tử vong bị xử lý như thế nào?
Hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh được quy định trong điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Hỏi: Qua báo chí tôi được biết, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân tử vong vì các cơ sở y tế từ chối không cấp cứu. Xin hỏi, trong trường hợp này, các cơ sở y tế có bị xử lý trách nhiệm? Xin cảm ơn.
Nguyễn Thế Vinh, Hà Nội
Ảnh minh họa
Trả lời: Điều 52,53 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định: Trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh là phải tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh; Cơ sở khám, chữa bệnh được quyền từ chối nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động nhưng phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị cho người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Bên cạnh đó, hành vi từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh là hành vi bị cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh được quy định trong điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Căn cứ vào khoản 7 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì hành vi không kịp thời sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người bệnh có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 30 tới 40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 06 tới 09 tháng.
Hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh mà dẫn tới hậu quả làm chết 01 người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 1 điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Hành vi này có khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.