Có tập quán hoặc quy định quốc tế về treo quốc kỳ, cử quốc thiều không?
Trong ngoại giao, để bày tỏ sự tôn trọng đồng thời nhắc nhở về sự tôn trọng đó, nhiều nước có những quy định về treo quốc kỳ và cử quốc thiều.
Quốc thiều, quốc kỳ, quốc huy là biểu trưng cho Quốc gia, cho Nhà nước. Mọi thái độ biểu hiện qua cử chỉ, lời nói tỏ sự thiếu tôn trọng đối với những biểu trưng đó đều bị coi như là xúc phạm đến danh dự quốc gia, uy tín của Nhà nước. Vì lẽ đó, nhiều nước có những quy định để thể hiện sự tôn trọng đồng thời nhắc nhở sự tôn trọng đối với những biểu trưng đó.
Đối với việc treo cờ nhiều nước, mỗi quốc kỳ một cột, các quốc kỳ phải cùng một cỡ và treo cao ngang bằng nhau.
Treo cờ nhiều nước chỗ trang trọng tính từ bên phải trở đi, nếu đứng từ phía trong nhìn ra hay từ giữa trở ra hai bên và theo thứ tự theo bảng chữ cái ABC tên các nước (bảng chữ cái theo một ngôn ngữ nào đó hay ngôn ngữ nước tổ chức, tùy theo quy định hay thông lệ của sự kiện đó).
Nhiều nước quy định cờ tang treo ở lưng chừng cột, tuy nhiên không được chấm đất. Theo quy định của Việt Nam, khi có quốc tang, quốc kỳ không treo rủ, mà vẫn treo ở phía trên đỉnh cột như thường lệ, nhưng có kèm theo phía trên một dài băng đen với chiều rộng bằng 1/10 chiều rộng của lá cờ.
Đối với các Cơ quan đại diện ngoại giao chỉ treo quốc kỳ nước mình. Tuy nhiên, theo tập quán một số nước, khi nguyên thủ Quốc gia nước sở tại chính thức đến sứ quán thì vì lý do lịch thiệp, sứ quán có thể treo quốc kỳ của nước sở tại hay cờ hiệu của Nguyên thủ Quốc gia (nếu có) cùng với quốc kỳ của nước mình.
Trong lễ tân ngoại giao, quốc thiều thường được cử trong lễ đón, lễ tiễn chính thức Nguyên thủ Quốc gia hay Người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm. Tại lễ đón, quốc thiều của nước khách cử trước và tại lễ tiễn, quốc thiều của nước chủ nhà cử trước. Trong những dịp này, quốc thiều thường được cử trước khi khách đi duyệt đội danh dự.
Ở một số nước, quốc thiều cũng được cử khi khai mạc mít tinh hoặc chiêu đãi hoan nghênh đoàn cấp cao, trong lễ đặt vòng hoa ở đài chiến sĩ vô danh. Ngoài ra, quốc thiều nước ngoài còn được cử trong nhiều hoạt động quốc tế khác như trước một trận thi đấu thể thao quốc tế, lễ trao huy chương vàng cho vận động viên nước ngoài… Nói chung, trong các lễ tiết liên quan đến hai nước, quốc thiều của nước khách thường được cử trước.
Vậy theo bạn, có khi nào xảy ra trường hợp treo sai quốc kỳ, cử nhầm quốc thiều của một nước là khách hay không và cách xử lý như thế nào? Mời quý độc giả tiếp tục theo dõi chuyên mục Lễ tân Ngoại giao vào thứ 5 (ngày 15/10).