Cỗ tết Đoan Ngọ
Mới mồng một đầu tháng năm âm lịch, đã nghe lao xao bên hàng xóm: 'Sắp đến Tết mồng 5 tháng năm rồi đấy'. Thế là lại rộn ràng hết cả lên. Khắp xóm ngõ nao nức đón đợi
Ô mà thực, vải thiều đã đỏ chợ từ những hôm nào. Dưa hấu cũng đã nổi cát, mận tím lịm và đào thì má phấn lông tơ... Mấy hôm trước, bà thím dưới quê gửi cho mấy cân nếp chiêm xay vỡ vỏ, lại kèm sẵn dăm bảy bánh men rượu trắng ngà, tròn um như cái trứng nhện, dính thêm mấy mảnh trấu vỡ vàng ươm.
Thế là náo nức lên hết thảy. Mẹ thì giục con đem gạo nếp xay ra chọn lại một lần nữa cho sạch trấu mảy. Rồi đem thổi xôi sẵn vài lần, mới đem ủ men trong chiếc rá úp mấy lần lá sen bánh tẻ. Tận dưới lót lá chuối xanh. Trên đậy mảnh vỉ buồm bằng cói đan. Treo cao, đậy kỹ tránh chuột bọ lục. Bà láng giềng bên cạnh nghe phong thanh cũng đã chạy vội sang chợ Hàng Bè đặt sẵn vài cân cơm rượu, hẹn đúng sáng mồng năm là vừa chín tới.
Dưới quê sau vụ gặt chiêm sớm, gửi cho đôi vịt đàn vừa chéo cánh. Vậy là chị Trưởng đâu, sáng mai nhớ dậy sớm ra chợ mua lấy cân măng củ tươi, vài ba cân bún Phú Đô loại nhỏ sợi ấy, vài mớ húng quế làng Láng, cùng lạc rang để làm món tiết canh và bún vịt xáo măng. Ông Trời mới khéo sắp xếp làm sao. Vừa tan vụ gặt, vào mùa đuổi đồng, vịt tơ béo mẫm. Vừa chớm tiết mưa, măng non trắng nõn, chưa thái đã nghe giòn sần sật đầu lưỡi. Vậy là chắc có nồi măng xáo cho cỗ Tết Đoan Ngọ.
Còn hoa quả, phải chính tay bà mẹ đi chợ chọn lấy. Cũng thì vải thiều, nhưng phải kén đúng giống Thanh Hà, mã trắng, trái nhỏ không nổi gai, thế mới ngọt nước, dày cùi, hạt nhỏ như hạt thóc. Chớ ham trái vải đỏ sẫm, quả to bắt mắt, nhưng ăn chát mò, hạt lại to sều sều. Mận thì chọn đúng thứ mận Hậu, vỏ hơi xanh ngả hanh vàng, trông cũng hơi kém mã một chút so với mận Tam Hoa, ăn giòn khau kháu, ăn miết không chán.
Và đào Lạng Sơn, dưa hấu Nga Sơn, hồng xiêm Xuân Đỉnh, dứa mật Phú Thọ... ngoài chợ có thứ gì, mẹ già sẽ cố mua cho đủ, mỗi thức một chút thôi. Đặc biệt, phải nhớ món lá diễn để sáng sớm mồng 5, đứa nào đứa nấy tự nhuộm móng tay đỏ lòe, nom rất ngộ.
Ngày xưa, vào dịp Tết Đoan ngọ này, các nhà có con trai đã dạm ngõ hay ăn hỏi con gái nhà người ta, thường đem biếu nhà gái đôi vịt hay đôi ngỗng, có khi là đôi ngan cùng chai rượu trắng nút lá chuối khô với chùm vải chín. Gọi là "đi sêu". Hay thế chứ.
Cô con gái đang tuổi học sinh cấp 2 thắc mắc:
- Sao con thấy mâm cỗ Tết mồng 5 tháng năm nhà bạn con có cả bánh gio nữa mà nhà mình không có ạ ?
- Thế thì chắc nhà ấy là người miền Nam tập kết ra Bắc rồi. Trong ấy mới có tục gói bánh gio, gọi là bánh ú ăn Tết Đoan Ngọ. Đúng chưa? Ngoài mình chỉ rượu nếp hoa quả thôi.
Hoa quả rửa còn bóng nước, rượu nếp đơm thơm rựng. Sáng sớm, thắp hương xong là cả nhà ăn thỏa thích. Thằng cu con tham quá, ăn cả bát cơm rượu đầy, mặt mũi đỏ lừ, miệng nói líu ríu, khiến cả nhà cười như nắc nẻ.
Mà lạ. Cứ vào đúng ngày này, hễ ăn bao nhiêu thứ hoa quả vào bụng cũng chẳng có sao. Chắc rượu nếp xưa nay vẫn vốn có tính tẩy giun nhẹ hay sao ấy. Mà có cái lạ nữa, là những con rắn vào ngày này tự nhiên chả dữ dằn như ngày thường. Bởi thế tục ngữ mới có câu: Len lét như rắn mồng 5.
Non trưa, ông bố xem lại đĩa tiết canh vịt, thấy đông đặc, tự khen mình tài ba, lờ luôn ánh mắt nguýt dài của bà mẹ sành sỏi. Mà ô kìa, mùi canh măng dưới bếp đã bốc lên thơm lừng. Bé em đâu, mau dọn mâm bát đi thôi.
Trong lúc khề khà đưa cay với đôi chân vịt, ông bố mới kể cho lũ con sự tích Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng năm âm lịch. Nghe nói là có nguồn gốc tự bên Tàu. Người Trung Hoa làm Tết này để nhớ ngày nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên nước Sở thời Xuân Thu đã tự trẫm trên con sông Mịch La để giữ trọn khí tiết.
Nhưng người Việt mình ăn Tết mồng 5 tháng năm cũng từ bao đời. Chỉ cần nhớ ấy là ngày Tết giết sâu bọ. Đồ cúng chủ yếu là hoa quả và cơm rượu nếp. Còn tại sao lại gọi là ngày Tết giết sâu bọ, có lẽ bởi ông cha mình chọn ngày này để tẩy giun sán cho cả gia đình cũng nên.
Bà vợ vừa nghe câu chuyện cũ, vừa nguýt dài ông chồng: “Thôi ông uống rượu vừa chứ, tết này là tết cơm rượu nếp, ai cho ông đánh rượu trắng tỳ tỳ, mau sẻ tiết canh cho cả nhà cùng ăn với, khéo đang vữa hết kia kìa”.
Ông bố giật mình, nghiêng vội đĩa tiết canh trên mâm:
- Vữa là vữa thế nào, chả đem lạt xâu mà xách như xách bánh đúc đây này.
- Vâng, chả có phải tôi chế nước mắm vừa vặn thì có ối mà đông đặc như thế ? Các con đâu, vào mẹ chan bún măng cho nào.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-tet-doan-ngo-n176147.html