Cổ Thạch Tự - Kiến trúc chan hòa với thiên nhiên

Sau 30 năm được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, chùa Cổ Thạch (chùa Hang) xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong ngày càng nổi tiếng và trở thành điểm hành hương, tham quan không chỉ của cộng đồng phật giáo mà còn thu hút đông đảo du khách phương xa.

Cách trung tâm TP. Phan Thiết 100 km theo hướng Bắc, Cổ Thạch Tự nằm trên quần thể đồi núi đá cao chừng 60m, nên cũng có rất nhiều hang động đặc biệt. Với kiến trúc độc lạ, lại kết hợp với những phiến đá to lớn tạo hình rất hùng vĩ, chùa Cổ Thạch được bao quanh là rừng cây, núi đá và biển nên không khí nơi đây rất mát mẻ. Du khách tới chùa thưởng ngoạn luôn có cảm giác yên bình và thoải mái.

Cổ Thạch Tự - nơi có lối kiến trúc cổ kính phương Đông, nằm trên quần thể đồi núi đá cao.

Cổng chùa được ốp men gốm sứ có hoa văn bắt mắt cực kỳ thích hợp để bạn chụp ảnh lưu lại kỷ niệm viếng thăm nơi đây.

Cuối tuần vừa qua, tôi cùng gia đình lại có dịp vãn cảnh chùa sau rất nhiều năm tôi chưa quay trở lại đây. Mọi thứ vẫn cổ kính như xưa, những gốc cây đã to lớn, sum suê hơn, nhiều hạng mục được trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, sơn phết lại, nên nhìn không gian chùa vẫn đậm chất nghệ thuật, dù ngôi chùa này có bề dày lịch sử gần 200 năm. Từ chánh điện, men theo các hang nhỏ hoặc đi theo các lối cầu thang, du khách có thể tham quan khuôn viên chùa rộng hơn 1.200 m2 với rất nhiều cây cối mát mẻ. Đặc biệt, nơi đây trồng rất nhiều cây ăn trái, trong đó cây mủ trôm rất sai trái tạo nên cảnh quan trong lành, thích thú. Không chỉ vậy, xung quanh chùa còn có những khối đá khổng lồ chồng lên nhau, tựa vào nhau, tạo nên những hình thù đẹp mắt.

Chánh điện Cổ Thạch Tự nằm lọt thỏm giữa quần thể núi đá nguyên sinh, bao quanh là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, gác trống đã tạo nên vẻ đẹp uy nghiêm, độc đáo.

Nét chạm khắc trên mái nhà tạo nên vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm.

Bởi vị trí địa hình là núi đá cao nên mỗi lối đi của ngôi chùa đều có các bậc thang lên xuống thoai thoải theo sườn dốc. Trong mỗi hang động ở chùa Cổ Thạch đều thờ một vị Phật, Bồ tát hoặc một nhà sư đã viên tịch. Ở đây, có một hang động của Tổ sư – người đã khai sơn ra ngôi chùa này, phía trong ngoài tượng thờ Tổ sư còn có các bài vị có công lao xây dựng chùa. Vào ngày 25/5 âm lịch hàng năm sẽ là ngày giỗ tổ của chùa Cổ Thạch. Đây là ngày mà tăng ni, phật tử nơi đây tưởng nhớ công ơn to lớn của vị Thiền Sư Bảo Tạng – người có công lao to lớn trong việc xây dựng chùa ngày ấy.

Trong mỗi hang động ở chùa Cổ Thạch đều thờ một vị Phật, Bồ tát hoặc một nhà sư đã viên tịch.

Xung quanh chùa còn có những khối đá khổng lồ chồng lên nhau, tựa vào nhau

Ngôi chùa gây ấn tượng bởi địa thế "tựa sơn hướng thủy" vô cùng linh thiêng.

Càng lên cao, du khách có thể nhìn đại dương mênh mông trong không gian thoáng đãng, tạo nên một cảnh quan sơn thủy hữu tình. Nơi đây không chỉ nổi tiếng là ngôi chùa nằm ở vị thế đặc biệt, quần thể kiến trúc linh thiêng, mà còn níu chân du khách thập phương bởi vẻ đẹp kỳ thú của bãi biển Cổ Thạch và bãi đá bảy màu độc nhất vô nhị. Vào dịp lễ, tết nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa và cầu xin lộc may mắn. Mỗi người mang một ít lễ vật cúng dường cùng với tâm thiện lành, hướng Phật và cầu mong cho những điều tốt đẹp, may mắn trong cuộc sống. Không chỉ vậy, sau khi viếng chùa, bãi tắm Cổ Thạch và bãi đá 7 màu cũng là điểm cộng để bạn thử ghé lại trải nghiệm.

Khuôn viên chùa rộng rãi, thoáng mát với rất nhiều cây cối

Nhiều cây mủ trôm được trồng trong chùa rất sai quả tạo nên cảnh quan trong lành.

Nếu bạn là tín đồ của du lịch tâm linh và yêu thích những phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, thì đừng quên đặt lịch Cổ Thạch Tự cho chuyến đi chơi của gia đình trong dịp tết này nhé!

Khách viếng chùa dịp cuối tuần luôn đông đúc.

Sau khi viếng chùa, bãi tắm Cổ Thạch và bãi đá 7 màu cũng là điểm cộng để bạn thử ghé lại trải nghiệm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/co-thach-tu-kien-truc-chan-hoa-voi-thien-nhien-115700.html