Có thay đổi tư duy mới phục hồi được kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam không thể đóng cửa mãi, phải bắt đầu mở cửa dần trở lại, đồng thời thực hiện linh hoạt các biện pháp giãn cách. Trong giai đoạn 'bình thường mới', để giữ mục tiêu kép về phục hồi và phát triển kinh tế; chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, tránh rập khuôn quy trình, hướng tới cách làm thực chất hơn nữa.
Công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất ảnh: Như Ý
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương (CIEM) nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Cải cách môi trường kinh doanh
Bà đánh giá thế nào về tác động của đại dịch lên nền kinh tế Việt Nam và các chính sách ứng phó với COVID-19 vừa qua của Chính phủ?
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn là ưu tiên của Chính phủ trong nhiều năm qua.Trong bối cảnh dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay, Chính phủ vẫn nhấn mạnh yêu cầu điều hành hướng tới mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu tác động đối với tăng trưởng kinh tế. Theo đó, yêu cầu nghiên cứu kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 đã được đề cập, kiến nghị ở không ít diễn đàn, thảo luận chính sách ngay từ giữa năm 2020.
Tuy nhiên, đến giữa 2020, một số nội dung liên quan đến kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế còn thiếu cơ sở để cụ thể hóa. Chẳng hạn, dự báo thời điểm khống chế/kiểm soát dịch COVID-19 về cơ bản gắn với các kịch bản tiếp cận và phổ biến vắc-xin không dễ. Bên cạnh đó, việc kết hợp hài hòa giữa các yêu cầu cải cách dài hạn (môi trường kinh doanh, phát triển bền vững... với các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn có thể khác biệt giữa các lĩnh vực, ngành nghề.
Kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay, đợt dịch COVID-19 thứ 4 diễn biến phức tạp tại nhiều thành phố, trung tâm kinh tế lớn đã và đang gây những hệ lụy không nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Khó khăn kéo dài cũng khiến Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đạt đồng thuận lớn hơn về những yêu cầu đổi mới toàn diện mô hình tăng trưởng, thông qua những “bước chuyển”, và phục hồi sản xuất-kinh doanh gắn với các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi của Chính phủ.
Thưa bà, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực tài khóa hạn hẹp, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, nhiều thách thức an sinh, vậy kịch bản phục hồi nên xây dựng ra sao trong từng giai đoạn?
Theo nghiên cứu của chúng tôi, chương trình phục hồi kinh tế cần kéo dài ít nhất tới năm 2023, chia làm 3 giai đoạn với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách. Cụ thể:
Giai đoạn 1 (đến quý I/2022): ưu tiên phòng chống dịch, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 (đến hết 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp; Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Chuyển đổi số: Tránh rập khuôn
Những cụm từ “chuyển đổi số”, “công nghệ 4.0”chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như hiện nay. Trong thực tế, công nghệ 4.0 đã giúp vận hành nền kinh tế nhiều quốc gia trong giai đoạn giãn cách xã hội, thế nhưng ở Việt Nam chỉ riêng về theo dõi sức khỏe đã có hàng chục ứng dụng và không liên thông. Ở góc độ nghiên cứu chính sách, bà có nghĩ chúng ta đã thực sự tiếp cận công nghệ số?
Cần lưu ý, yêu cầu tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 và thúc đẩy chuyển đổi số đã được Chính phủ và doanh nghiệp lưu tâm từ nhiều năm trước. Nhưng, chỉ đến năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực toàn diện, mạnh mẽ hơn của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Chương trình chuyển đổi số quốc gia được triển khai từ Trung ương đến địa phương, từ các bộ, ngành đến doanh nghiệp và người dân.
Mặc dù đa số các doanh nghiệp đều nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong bối cảnh mới, nhưng vẫn còn khoảng cách lớn tới thực tế. Nguyên nhân một phần vì doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, một phần vì họ xem đây là câu chuyện của doanh nghiệp lớn.
Các cơ quản quản lý cũng đã có nhiều nỗ lực và bổ sung nhiều nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý, chính sách cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, do mới mẻ, phi truyền thống của các nội dung liên quan đến số hóa, khiến cho việc minh định chức năng, nhiệm vụ (của các cơ quan quản lý là rất cần thiết) không dễ. Điểm quan trọng là, các cơ quan quản lý phải có tư duy mở hơn, tránh “rập khuôn quy trình” khi nhìn nhận các vấn đề chuyển đổi số liên quan đến doanh nghiệp. Việc thường xuyên đối thoại giữa các cơ quan quản lý với doanh nghiệp là một điều kiện cần thiết.
Kịch bản phục hồi và các biện pháp thúc đẩy kinh tế được chuẩn bị tốt, theo bà, các cấp thực hiện cần chủ động thực thi ra sao để đạt mục tiêu đề ra?
Đợt dịch COVID-19 từ tháng 4/2021 cho thấy nhiều khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế nói chung và các địa phương trong cả nước nói riêng. Những khó khăn, hệ lụy này cũng kéo dài hơn so với những đợt dịch trước đó (khi mà chúng ta khống chế dịch thành công chỉ trong thời gian tính bằng tuần). Tuy nhiên, những khó khăn, hệ lụy kéo dài này cũng đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực sự thay đổi tư duy và cách làm, hướng tới thực chất trên cơ sở quán triệt chủ trương, chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những chỉ đạo và cách làm quyết liệt, sát sao ở không ít địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, ... thời gian qua chính là biểu hiện sinh động cho sự thay đổi ấy.
Cảm ơn bà!
“Việc kiểm soát nhanh và hiệu quả dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm vắc-xin gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp, sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp và cải thiện ý thức của người dân, sẽ giúp giảm bớt hệ lụy của dịch bệnh đối với nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-thay-doi-tu-duy-moi-phuc-hoi-duoc-kinh-te-post1383534.tpo