Có thẻ BHYT - đừng để bệnh quá nặng mới đi khám, chữa bệnh

Có thể nói, khi khỏe mạnh, thẻ BHYT chỉ là một tờ giấy không có giá trị. Nhưng khi không may gặp hoạn nạn, ốm đau thì tấm thẻ lại chính là cứu cánh không chỉ cho bệnh nhân mà còn cho cả gia đình người bệnh, vì thẻ BHYT đã góp phần giảm bớt khó khăn về kinh tế trong suốt quá trình khám, điều trị.

Bác sỹ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cấp cứu bệnh nhân.

Bác sỹ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cấp cứu bệnh nhân.

Vậy nhưng khi có BHYT trong tay, không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. Không ít người khi cảm thấy sức khỏe không tốt tự điều trị bằng cách ra hiệu thuốc mua về tự uống. Cũng có những người tìm đến thầy lang chữa bệnh... Nhiều người tiền mất tật mang, khi đến các cơ sở y tế thì bệnh tình đã quá nặng.

Nói về chuyện đáng tiếc trong việc điều trị bệnh của người dân, chắc chắn không phải là chuyện hiếm. Đơn cử như một trường hợp bệnh nhân 7 tuổi tên là Lường Việt C. cư trú tại xã Đồng Chum, huyện vùng cao Đà Bắc. Khi thấy cháu bị ho và bắt đầu sốt, gia đình đưa cháu xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Trong lúc cháu đang được bác sỹ Khoa Nhi thăm khám thì lên cơn co giật vì sốt cao đến 41,50C. Lúc này, toàn thân cháu co giật, chân tay co quắp, miệng nôn và nói nhảm. Rất may, sau khi được điều trị kịp thời cháu C. đã khỏe mạnh và sau 1 tuần được xuất viện về nhà.

Tuy vậy, không phải ai cũng may mắn như trường hợp của bệnh nhân C. Bệnh nhân Bùi Văn N., 9 tuổi, cư trú tại huyện Kim Bôi, ban đầu chỉ bị sốt, ho, gia đình đã đưa cháu đi khám ở phòng khám tư và mua thuốc về uống, trong mấy ngày uống thuốc tại nhà bệnh tình cháu không thuyên giảm. Cho đến khi thấy sức khỏe cháu ngày càng xấu đi gia đình mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi. Sau khi thăm khám, bệnh nhân nhanh chóng được Trung tâm chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Bệnh nhân được đưa đến Khoa Nhi theo diện cấp cứu, mặc dù đã được các y, bác sỹ tiếp nhận cấp cứu kịp thời nhưng bệnh tình mỗi lúc một xấu đi, nguyên nhân do rối loạn điện giải và suy đa tạng. Thấy cháu bệnh tình quá nặng gia đình đã xin về, bởi khả năng cứu chữa cho cháu là không còn hy vọng. Chuyến xe cuối cùng đưa cháu về có sự hỗ trợ của máy thở ô xi và nhân viên y tế với nỗi buồn vô vọng của gia đình. Bác sỹ Quách Thị Lơ, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: Theo quy trình cấp cứu của Bộ Y tế, các trường hợp cấp cứu như này chỉ cần thực hiện trong 30 phút, nhưng với trường hợp bệnh nhân N. chúng tôi đã cố gắng đến gần 2 tiếng đồng hồ. Đối với trường hợp bệnh nhân này, nếu được đi khám, điều trị sớm hơn tại các cơ sở y tế có lẽ cháu vẫn có cơ hội sống".

Qua bài viết này, mong mọi người dân hãy quan tâm hơn đến sức khỏe của chính bản thân mình, của những người thân trong gia đình..., đừng để những chuyện đáng tiếc xảy ra lúc ốm đau khi trong tay đã có thẻ BHYT.

Minh Thủy (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/134991/co-the-bhyt-dung-de-benh-qua-nang-moi-di-kham,-chua-benh.htm