Có thể giảm khoảng 10.000 tỷ đồng chi phí lãi vay
Việc hạ lãi suất là phù hợp với xu hướng giảm của cả lãi suất tiền gửi/cho vay và lãi suất trên liên ngân hàng. Nếu tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20-25% tổng dư nợ hệ thống (tức là khoảng 1,7-2,1 triệu tỷ đồng), giả sử các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo trần lãi suất mới, từ năm sau, người đi vay có thể giảm được từ 8,5-10,7 nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay.
Đây là phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI xung quanh động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm các lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm, có hiệu lực từ 1/10.
Theo SSI, lãi suất tiền gửi VND đã giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay, tổng cộng từ 1,2% đến 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3,0-3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ ở mức 2,2-2,5%/năm, tức là đã thấp hơn mức trần mới. Bởi vậy, lãi suất tiền gửi sẽ không thay đổi nhiều sau quyết định của NHNN. Yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng và SSI vẫn giữ kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1 -0,3%/năm trong quý 4/2020.
Ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành này là lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao).
Trong năm 2019, tỷ trọng cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên chiếm hơn 42% tổng dư nợ toàn hệ thống. Dựa trên tỷ lệ cho vay ngắn hạn/tổng dư nợ trung bình của các NHTM tại 30/6 là 50%, SSI ước tính tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20-25% tổng dư nợ hệ thống (tức là khoảng 1,7-2,1 triệu tỷ đồng). Giả sử các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo trần lãi suất mới, từ năm sau, người đi vay có thể giảm được từ 8,5-10,7 nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, trần lãi suất mới chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới hoặc các khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý 4 năm 2020 sẽ khá ít, ảnh hưởng đến lợi nhuận các NHTM trong năm 2020 là không đáng kể.
Trước đó, chiều 30/9, NHNN đã phát đi thông cáo tiếp tục điều chỉnh các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo đó, NHNN quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), NHNN quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Đặc biệt, về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định, NHNN cũng điều chỉnh giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.