Có thể hồi sinh giải pháp hai nhà nước?
Với cách tiếp cận rất khác biệt so với những câu chuyện dằng dai suốt nửa sau thế kỷ XX cũng như 10 năm đầu thế kỷ XXI, Nhà Trắng đặt cơ sở cho việc kiến tạo hòa bình dựa trên công cuộc kêu gọi các quốc gia Arab Hồi giáo lần lượt bình thường hóa quan hệ với Israel. Động lực của tiến trình này, không gì khác, chính là vấn đề cốt lõi muôn thuở: Lợi ích.
Không thể khác được. Jerusalem, cũng như mối hiềm khích nghìn năm Israel - Palestine, cũng như những mâu thuẫn và xung đột chồng chéo về lợi ích quanh vùng đất Thánh cổ xưa ấy… sẽ trở lại là một trong những tiêu điểm nóng bỏng nhất trên bản đồ địa, chính trị thế giới, khi nước Mỹ đã và đang được kỳ vọng sẽ chuyển sang một quỹ đạo mới, theo một chiến lược ngoại giao mới, hoàn toàn trái ngược với những tiến trình đang được thúc đẩy cho đến tận những ngày cuối cùng tại vị của Tổng thống Donald Trump.
Một biểu tượng thành công
“Tiến trình hòa bình Trung Đông mới” - hay “giải pháp thế kỷ”, theo cách gọi của chính quyền ông Donald Trump - không chỉ là một tổ hợp các gợi ý, không chỉ là một công cụ kiến tạo hòa bình ở Trung Đông theo cách nhìn của họ, cũng không chỉ là một tiến trình đã được kích hoạt (và kích hoạt trơn tru ngoài kỳ vọng). Ở một khía cạnh nào đó, giải pháp ấy còn là biểu tượng cho những thành tựu trong chiến lược đối ngoại mà ông chủ Nhà Trắng (từ tháng 1-2017 đến tháng 1-2021) đã lựa chọn và đã đạt được.
Những phản ứng dữ dội từ cộng đồng Hồi giáo nói riêng cũng như dư luận toàn thế giới nói chung về chuỗi hành động mà nước Mỹ áp đặt lên cuộc tranh chấp Israel - Palestine, cuối cùng cũng không thể ngăn cản chính sách đối ngoại đó gặt hái được những thành quả ban đầu, trên thực tế.
Sau khi chính thức thừa nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel (đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông); sau khi tuyên bố dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem; sau khi lật ngược quan điểm hơn 40 năm của chính nước Mỹ, để tiến đến thừa nhận các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây là “không vi phạm luật pháp quốc tế”; sau khi không che giấu ý định hợp pháp hóa mọi phần lãnh thổ mà Israel đang chiếm đóng, từ kết quả của các cuộc chiến tranh cục bộ trong khu vực với các quốc gia Arab láng giềng; nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đi nước cờ quyết định. Họ lặng lẽ, nhưng kiên quyết, “khai tử” “giải pháp hai nhà nước” được cả Palestine lẫn cộng đồng quốc tế thừa nhận trong quá khứ và thay thế bằng “Giải pháp hòa bình Trung Đông mới”.
Với cách tiếp cận rất khác biệt so với những câu chuyện dằng dai suốt nửa sau thế kỷ XX cũng như 10 năm đầu thế kỷ XXI, Nhà Trắng đặt cơ sở cho việc kiến tạo hòa bình dựa trên công cuộc kêu gọi các quốc gia Arab Hồi giáo lần lượt bình thường hóa quan hệ với Israel. Động lực của tiến trình này, không gì khác, chính là vấn đề cốt lõi muôn thuở: Lợi ích.
Lợi ích thu được thông qua những điều khoản hợp tác quốc tế về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế, đủ lớn để đến nay đã có 4 quốc gia chấp thuận bình thường hóa quan hệ: Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), Bahrain, Morroco và Sudan - những “đột phá khẩu” rộng mở ngoài sức tưởng tượng, so với những dè dặt và phản đối ban đầu. “Bình thường hóa quan hệ với Israel”, xin nhắc lại, trong trường hợp này chính là phớt lờ “giải pháp hai nhà nước” và quay lưng với những cam kết mà các quốc gia ấy từng hứa hẹn sẽ sát cánh với nguyện vọng cháy bỏng của Palestine.
Lợi ích cũng chính là nguyên nhân để cả cho đến khi cuộc bỏ phiếu Tổng thống Mỹ đã khép lại với kết quả chính thức, cũng chẳng có nhiều lý do để giới quan sát quốc tế tin rằng tiến trình này sẽ bị ngưng trệ hay gián đoạn. Nó thực sự là một đoàn tàu đã chuyển bánh.
Bài toán khó cho người đắc cử
Vấn đề là, ngày 11-1, nhóm Bộ Tứ (Pháp, Đức, Ai Cập, Jordan) vừa nối lại thảo luận tại thủ đô Cairo của Ai Cập. Họ hướng tới điều gì? Về cách thức phối hợp và tham vấn thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, hướng tới một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài. Cuộc họp diễn ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao 4 nước đã tham vấn quan điểm của những người đồng cấp Palestine và Israel, về nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Họ nhất trí thông qua tuyên bố 11 điểm, trong đó nhấn mạnh: Giải pháp hai nhà nước là yêu cầu tất yếu để đạt được hòa bình toàn diện.
Tuyên bố chung sau cuộc họp kêu gọi các bên nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán trực tiếp và kiềm chế mọi biện pháp đơn phương làm suy yếu triển vọng đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột, trong đó chấm dứt mọi hoạt xây dựng, mở rộng các khu định cư, được coi là vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu triển vọng của giải pháp hai nhà nước.
Có thể thấy rõ, quan điểm nhất quán của nhóm Bộ Tứ đối với giải pháp cuối cùng cho tiến trình hòa bình Trung Đông là: Thành lập nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 và lấy Đông Jerusalem làm thủ đô. Không có gì bất ngờ, khi giới lãnh đạo Palestine ngay lập tức thể hiện quan điểm sẵn sàng hợp tác để phục hồi tiến trình hòa bình với Israel.
Nhưng, liệu Israel có muốn điều đó? Điều này, thực ra, lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chiến lược của những nhân vật tiếp quản quyền lực tại Washington.
Chưa ai quên, ngay khi có kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Jordan cũng như Palestine đã lập tức bộc lộ kỳ vọng rằng tân Tổng thống Joe Biden sẽ làm sống lại “tiến trình hòa bình Trung Đông cũ”. Bởi vậy, phát biểu với báo giới sau cuộc họp 11-1, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi cho biết các nước dự họp muốn “ngăn chặn mọi biện pháp có thể gây tổn thất cho giải pháp hai nhà nước”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là “đi ngược với luật pháp quốc tế và nếu còn tiếp diễn sẽ làm giảm triển vọng về nhà nước Palestine".
Tuy nhiên, lời nói đôi khi chỉ là những thanh âm. Nó không lọt nổi ra ngoài cánh cửa phòng họp báo, khi chính trong ngày 11-1 ấy, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng chỉ thị "đẩy nhanh các kế hoạch xây 800 nhà định cư cho người Do Thái ở Judea và Samaria (cách gọi khác của Bờ Tây trong Kinh Thánh)".
Chỉ thị này được đưa ra chỉ ít ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mãn nhiệm. Chính quyền của ông Trump đã có những bước đi chưa từng có tiền lệ thể hiện sự ủng hộ các nhóm người định cư tại Bờ Tây. Năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố rằng Washington không còn coi việc định cư tại Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế. Cho nên, nó hàm chứa rất nhiều thông điệp, cho dù chưa phải là khâu cuối cùng (vì quy trình thông qua các kế hoạch xây dựng này còn phải trải qua một số thủ tục hành chính và cả những thách thức pháp lý từ các nhóm phản đối chiếm đóng lãnh thổ).
Israel có thể chấp thuận lại ngồi vào bàn đàm phán với Palestine, cũng có thể sẽ đồng ý thảo luận về “giải pháp hai nhà nước”. Song, cách họ đẩy nhanh công cuộc xây dựng các khu định cư Do Thái cho thấy rằng họ vẫn không từ bỏ những kế hoạch đã được vạch ra từ trước, thậm chí là tranh thủ từng giây từng phút còn lại khi vẫn được hậu thuẫn bởi sự chống lưng của chính quyền ông Donald Trump, để giành thêm ưu thế và đặt mọi thứ vào thế “đã rồi”.
Ở những diễn biến song song, có thể phán đoán, Israel cũng vẫn sẽ xúc tiến những kế hoạch bình thường hóa quan hệ theo “tiến trình hòa bình Trung Đông mới”, khi nhận thức rõ rằng các ràng buộc về lợi ích sẽ tăng cường “quyền lực mềm” của họ và sẽ khiến những quốc gia Arab Hồi giáo khó khăn hơn khi phản đối những động thái lấn tới của họ. Ông Joe Biden liệu có đủ “uy dũng” để nói với Tel Aviv rằng họ nên dừng lại, cho dù ông phản đối chính sách của ông Donald Trump đến đâu?
Trong những lợi ích đó, đương nhiên, có cả những lợi ích hữu hình và vô hình mang tính cốt lõi của chính nước Mỹ. Bởi vậy, bất cứ hành động “bẻ lái quá gắt” nào của Tổng thống Joe Biden cũng có thể dễ dàng nhận lại những đợt phản chấn dữ dội, từ một nước Mỹ đang vô cùng chia rẽ như hiện tại. Ông sẽ không thể đơn giản chỉ nói là ông sẵn sàng hồi sinh “giải pháp hai nhà nước”, mà sẽ phải vạch được cho nó một lộ trình bảo đảm cho cả uy tín quốc tế, cả lợi ích cho các phía và cả mục tiêu triệt hạ tính biểu tượng thành công về ngoại giao mà người tiền nhiệm đạt được.
Luôn cần phải có cả một chặng đường hạ tốc khá dài, để dừng hẳn một đoàn tàu đã chuyển bánh. Và bởi vậy, năm 2021 sẽ còn chứng kiến không ít diễn biến đáng chú ý, xung quanh tham vọng của Israel cũng như khát vọng độc lập - toàn vẹn lãnh thổ của Palestine.
Đông Phong
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/co-the-hoi-sinh-giai-phap-hai-nha-nuoc-628883/