Có thể khởi tố điều tra việc chùa Kỳ Quang 2 chất xó hàng trăm hũ tro cốt
Theo luật sư, việc chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) chất cả trăm hũ tro cốt vào một xó đã vi phạm Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015.
Như VTC News đưa tin, chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) bị người dân phát hiện chất xó hàng trăm hũ tro cốt, di ảnh gắn trên các hũ tro cốt rơi vãi dưới nền nhà.
Chiều 3/9, quá trình kiểm đếm, cơ quan chức năng phát hiện có 775 hũ tro cốt đã bị gỡ rời di ảnh, không phân biệt được danh tính.
Trước sự việc, nhiều người dân có tro cốt người thân gửi ở chùa Kỳ Quang 2 đã kéo tới chùa bày tỏ bức xúc. Những người này gây sức ép để Thượng tọa Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa trả lời về vụ việc.
Tại buổi đối thoại với người dân trưa cùng ngày, Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 phủ nhận có liên quan tới vụ việc. Tuy nhiên, ông cũng nhận trách nhiệm và hứa sẽ làm xét nghiệm ADN xác định danh tính các hũ tro cốt. Kết quả sẽ có trong tháng 8 Âm lịch.
Nêu ý kiến với VTC News về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi chất tro cốt một xó, để di ảnh bung khỏi hũ tro cốt rơi vương vãi dưới nền nhà của chùa Kỳ Quang 2 đã vi phạm Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
"Vụ việc này hoàn toàn có thể khởi tố vụ án để điều tra", luật sư Diệp Năng Bình nói.
Vì theo luật sư Bình, cho dù bình đựng hài cốt của cá nhân không thuộc nội hàm của khái niệm mồ mả nhưng hỏa táng và đựng tro hài cốt của người thân trong bình, cũng giống như mai táng, là một cách thức thể hiện niềm tin nội tâm của những người còn sống đối với người đã khuất.
Dù là xâm phạm mồ mả theo đúng nghĩa của nó, hay chỉ là một chiếc bình đựng tro hài cốt đều đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm, quyền nhân thân vĩnh viễn gắn liền với nơi an nghỉ cuối cùng của người chết cũng như quyền nhân thân của gia đình, dòng tộc của họ.
Hành vi xâm phạm mồ mả được hiểu là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết.
Do đó, theo luật sư Bình, dù với bất kì mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì đó là hành vi xâm phạm mồ mả.
"Những người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di rời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Người có hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó cũng được xác định là hành vi xâm phạm mồ mả, quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Bình nói.
Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau:
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
b) Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.